Kinh tế Trung Quốc lớn mạnh sau 10 năm gia nhập WTO

Khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cách đây 10 năm, Trung Quốc đã đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới, với mục tiêu sẽ trở thành một trong những nền kinh tế quan trọng nhất thế giới. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ lớn về kinh tế - xã hội. Nước này đã trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới và nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, cũng như điểm đến hàng đầu của khách du lịch nước ngoài. Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 10/2011, Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy nói rằng nước Đông Bắc Á này đã đem lại một bầu không khí kinh tế khởi sắc kể từ tham gia sân chơi thương mại toàn cầu. Với những cam kết thúc đẩy tăng trưởng thương mại, Trung Quốc đã đem lại cho thế giới nhiều lợi ích.


Ảnh minh họa, nguồn Internet


Tỷ trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới đã tăng từ dưới 4% cách đây 10 năm lên 9,3% năm 2010. Gói kích thích kinh tế trị giá 586 tỷ USD mà chính phủ Trung Quốc đưa ra năm 2008 đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa và giúp đưa nền kinh tế toàn cầu thoát ra khỏi suy thoái. Theo các số liệu thống kê chính thức, trong 10 năm qua, các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài đã thuê gần 800.000 lao động tại chỗ và nộp tổng số tiền thuế lên tới 10 tỷ USD mỗi năm. Trung Quốc đã thực hiện đầy đủ các cam kết gia nhập WTO bằng cách mở rộng tiếp cận thị trường và tăng tính minh bạch. Mức thuế trung bình của Trung Quốc đã được hạ từ hơn 15% xuống chưa đến 10%. Trung Quốc đã mở cửa hơn 100 lĩnh vực thương mại dịch vụ và sửa đổi hàng nghìn quy định để đảm bảo Bắc Kinh tuân thủ các luật lệ của WTO.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết những người tiêu dùng và mua sắm trên toàn cầu đã tiết kiệm khá nhiều tiền bằng cách mua hàng hoá "Made in China". Trong thập kỷ qua, người tiêu dùng Mỹ đã tiết kiệm được hơn 600 tỷ USD nhờ mua hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc. Các hộ gia đình ở châu Âu cũng tiết kiệm được 300 tỷ euro mỗi năm theo cách này. Trong khi đó, việc di chuyển các hoạt động lắp ráp từ các quốc gia phát triển sang Trung Quốc dồi dào lao động đã tạo khả năng cho những quốc gia đó tập trung nhiều hơn vào các ngành mới nổi lên, vốn được mong đợi sẽ dẫn đầu sự tăng trưởng toàn cầu trong tương lai và giúp các nước phát triển trở thành những cường quốc kinh tế. 

Trung Quốc đã nhận thức được rằng nước này cần phải điều chỉnh mô hình tăng trưởng kinh tế vốn đang dựa chủ yếu vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp sang mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng nội địa. Các số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay, kể từ khi gia nhập WTO năm 2001, Trung Quốc đã nhập khẩu trung bình 750 tỷ USD hàng hoá mỗi năm và tạo hơn 14 triệu việc làm cho các đối tác thương mại. Ước tính, nhập khẩu của Trung Quốc sẽ đạt 8.000 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, trong khi doanh số bán lẻ tại nước này sẽ là 31.000 tỷ NDT (4,89 nghìn tỷ USD), tạo nhiều cơ hội cho các công ty nước ngoài.


TTXVN/Tin Tức

Trung Quốc góp sức làm dịu căng thẳng thanh khoản toàn cầu
Trung Quốc góp sức làm dịu căng thẳng thanh khoản toàn cầu

Trung Quốc đã sớm có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ là hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại lần đầu tiên trong gần 3 năm qua nhằm góp phần dịu bớt sự căng thẳng trên các thị trường toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN