Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, con số này nhiều khả năng giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) có nguy cơ rơi vào tình trạng giảm phát, kể từ lần cuối cùng Nhật Bản công bố tăng trưởng CPI âm vào hai năm trước.
Theo số liệu thống kê do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 8/8, trong tháng Bảy, xuất khẩu của cường quốc châu Á này giảm 14,5% và nhập khẩu giảm mạnh (12,4%) so với dự báo được đưa ra vào tháng trước. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vừa phát hành cũng cho thấy sự sụt giảm liên tục kể từ tháng 10/2022. Đáng chú ý là tốc độ giảm đã tăng nhanh hơn kể từ đầu năm 2023.
Country Garden, nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất của Trung Quốc, đã hủy kế hoạch phát hành cổ phiếu mới để huy động 300 triệu USD tại sàn Hong Kong (Trung Quốc). Công ty này, vào ngày 8/8, tuyên bố không thanh toán hai loại trái phiếu bằng đồng USD đáo hạn ngày 6/8, với tổng giá trị lên đến 22,5 triệu USD, do gặp khó khăn trong việc trả nợ.
Cùng ngày, chỉ số lĩnh vực bất động sản chuẩn trên sàn Hong Kong đã mất gần 5%, khi tâm lý nhà đầu tư trở nên tồi tệ hơn bởi các số liệu thương mại. Tương tự, chỉ số CSI 300 của các công ty Trung Quốc lớn (blue chip) đã giảm và đồng nhân dân tệ (NDT) tụt xuống mức thấp nhất so với đồng USD tính trong bốn tuần.
Những dữ liệu kinh tế “mờ nhạt” đã khiến các nhà đầu tư lo lắng, khi triển vọng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở nên yếu ớt hơn. Điều này làm gia tăng áp lực hơn nữa đối với Trung Quốc trong việc cần sớm đưa ra các biện pháp hỗ trợ, nhằm kích thích tăng trưởng.