Kinh tế Anh 5 năm sau khi Brexit

Trái ngược với dự báo rằng những thiệt hại của Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) sẽ kết thúc sau 5 năm, số liệu chính thức cho thấy nền kinh tế Anh vẫn đang chịu tác động đáng kể từ cuộc chia tay với đối tác thương mại lớn nhất vào ngày 31/1/2020.

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm tại siêu thị ở Manchester, Anh. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Viện nghiên cứu kinh tế xã hội quốc gia Anh (NIESR), mặc dù tất cả các nền kinh tế đều chịu những gián đoạn toàn cầu như đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine, Brexit tạo ra các rào cản làm trầm trọng thêm những thách thức kinh tế của Anh.

Năm 2023, Anh là quốc gia duy nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chưa phục hồi mức tăng trưởng GDP trước đại dịch trong khi các quốc gia EU hưởng lợi từ hoạt động thương mại nội khối và các nỗ lực phục hồi chung.

Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) ước tính, Brexit khiến quy mô nền kinh tế Anh giảm 4% trong dài hạn (tương đương 100 tỷ bảng) và xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 15%. Theo OBR, chỉ có 40% tác động của Brexit được phản ánh thông qua nền kinh tế với sự sụt giảm trong thương mại Anh - EU, trong khi 60% vẫn chưa được cảm nhận.

Nhìn chung, các nhà kinh tế đồng tình việc Anh rời thị trường chung và liên minh thuế quan EU tác động tiêu cực tới động thương mại hàng hóa và về lâu dài làm giảm hiệu quả thương mại của nước này. Các rào cản phi thuế quan - các quy định phức tạp về thủ tục kiểm tra hải quan, yêu cầu về xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định Thương mại và Hợp tác EU-Anh (TCA) - cũng như việc tuân thủ quy định kép của Anh và EU gây tốn kém về chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang EU và làm giảm khả năng cạnh tranh quốc tế của Anh.

Trong năm 2023, năm mới nhất có dữ liệu, có tới hơn 41 triệu tờ khai hải quan cho hoạt động thương mại Anh-EU. Kết quả là, xuất khẩu hàng hóa của Anh thấp hơn nhiều so với các nước giàu khác, chỉ tăng 0,3%/năm so với mức 4,2%/năm của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), theo tổ chức UK in a Changing Europe (Nước Anh trong một châu Âu thay đổi).

Theo nghiên cứu của Đại học Kinh tế London (LSE), xuất khẩu hàng hóa của Anh đã giảm 6,4% kể từ khi TCA có hiệu lực vào năm 2021. Các nghiên cứu mới đây cũng cho thấy xuất khẩu hàng hóa của Anh thấp hơn 30% so với mức nếu nước này không rời thị trường chung và liên minh thuế quan.

Brexit cũng gây thiệt hại cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, do gánh nặng thủ tục xuất nhập khẩu. Các ngành phụ thuộc vào thị trường EU, như sản xuất, xuất khẩu thực phẩm và các ngành sử dụng nhiều lao động, bị ảnh hưởng nặng nhất.

Theo ông William Bain, Trưởng bộ phận Chính sách thương mại tại Phòng Thương mại Anh, trong khi xuất khẩu sang EU là cánh cổng để các doanh nghiệp vừa và nhỏ thâm nhập vào các thị trường xuất khẩu mới trên thế giới, các công ty này có ít năng lực để đáp ứng các yêu cầu mới về thủ tục do kinh phí và nhân lực hạn hẹp hơn các doanh nghiệp lớn.

Kể từ khi Brexit, xuất khẩu sang EU của các doanh nghiệp nhỏ giảm 30% và 20.000 công ty nhỏ ngừng mọi hoạt động xuất khẩu sang khối.

Theo NIESR, không chỉ gây gián đoạn thương mại, Brexit còn cản trở đầu tư kinh doanh và tăng trưởng kinh tế nói chung khi các doanh nghiệp Anh do dự trong đầu tư mở rộng hoạt động và áp dụng các công nghệ mới. Một phân tích do NIESR công bố vào cuối năm 2023 cho thấy, đầu tư kinh doanh tại Anh có thể cao hơn khoảng 12,4% trong năm 2023 nếu Brexit không xảy ra.

Brexit cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài thiếu động lực đầu tư tại Anh do quan ngại về rào cản thương mại và khác biệt về quy định giữa Anh và EU. Trong giai đoạn 2016-2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Anh giảm 37% khi các công ty đa quốc gia chuyển hoạt động sang EU để duy trì quyền tiếp cận thị trường chung.

Brexit cũng góp phần vào tình trạng thiếu hụt lao động, gây căng thẳng cho nền kinh tế. Trước Brexit, các doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng đủ lao động thông qua thị trường lao động EU. Với việc tự do di chuyển lao động kết thúc sau Brexit, các ngành quan trọng như nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ khách sạn đều thiếu hụt lao động, dẫn đến chi phí hoạt động cao hơn trong khi sản lượng thấp hơn. Ngược lại, các nền kinh tế EU có thể tận dụng thị trường lao động của khối để ứng phó linh hoạt hơn với những thách thức về nguồn lao động sau đại dịch.

Theo các nhà phân tích, Brexit gây nên những tác động tiêu cực và lâu dài mang tính cấu trúc đối với vấn đề năng suất thấp của Anh, đã tồn tại từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, với những hạn chế lâu dài như thương mại kém hiệu quả gây gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động, chi phí kinh doanh tăng trong khi sản lượng giảm.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng vẫn có thể có những lợi ích kinh tế tiềm năng dài hạn khi Anh không phải tuân theo luật pháp và quy định của EU, ảnh hưởng đến các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo các nhà phân tích, để khôi phục niềm tin doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách phải ưu tiên tăng cường quan hệ thương mại với EU đồng thời đảm bảo sự rõ ràng về quy định đối với thương mại với EU. Chính phủ cũng cần đầu tư số hóa thương mại, sử dụng AI và cải thiện khả năng tiếp cận tài chính thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp.

Các nhà kinh tế cũng cho rằng Anh cần củng cố  hơn nữa TCA với EU, đối tác chiếm một nửa thương mại của nước này, chỉ ra rằng một thỏa thuận về thú y sẽ thúc đẩy thương mại thực phẩm từ cả hai phía, giảm một số rào cản nhạy cảm nhất đối với thương mại giữa Anh và Bắc Ireland đồng thời giúp hỗ trợ nông dân Anh, trong khi một thỏa thuận về quyền tự do di chuyển của thanh niên sẽ có lợi cho tất cả các bên. Theo các chuyên gia, một gói các biện pháp như vậy có thể giúp tăng GDP của Anh thêm 0,7%.

Trong khi đó, nếu không có các biện pháp có mục tiêu, Brexit sẽ tiếp tục gây nên bất ổn, hạn chế tiềm năng kinh tế dài hạn của Anh, các nhà kinh tế cảnh báo.

Minh Hợp (PV TTXVN tại London)
Ngày càng nhiều người Anh hối tiếc khi Brexit
Ngày càng nhiều người Anh hối tiếc khi Brexit

Theo phóng viên TTXVN tại London, 5 năm sau khi Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (Brexit), hầu hết cử tri, trong đó có những người từng ủng hộ Brexit, cảm thấy hối tiếc về quyết định chia tay đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN