Theo tờ Thời báo New York, trong lá thư gửi Chủ tịch Quy trình Kimberley - tổ chức quốc tế được thành lập để ngăn chặn “kim cương máu” xâm nhập thị trường thế giới, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ George Cajati đã kêu gọi các quốc gia dán nhãn kim cương Nga là “kim cương máu”.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh phương Tây cho rằng Điện Kremlin đã thu lợi nhuận khủng từ hoạt động kinh doanh loại đá quý này. Đồng thời, Mỹ và các đồng minh cáo buộc doanh thu từ ngành xuất khẩu kim cương đã hỗ trợ Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Ông Cajati nhấn mạnh lợi nhuận từ hoạt động buôn bán kim cương của Nga “mang lại lợi ích cho quốc gia đang tiến hành chiến dịch quân sự có tính toán trước”. Lập trường của quan chức Bộ ngoại giao Mỹ đã được các thành viên EU, Canada, một số quốc gia phương Tây khác và Ukraine ủng hộ.
Nga là nhà cung cấp kim cương loại nhỏ thuộc hàng lớn nhất thế giới. Trong nhiều năm, Mỹ là một trong những thị trường lớn nhất của loại đá quý này.
Thời báo New York dẫn dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho biết trong năm 2021, kim cương xuất khẩu của Nga có giá trị hơn 4,5 tỷ USD, trở thành mặt hàng xuất khẩu phi năng lượng lớn nhất của Moskva tính theo giá trị.
Trong khi một số quốc gia phương Tây như Mỹ đã áp đặt hạn chế đối với việc nhập khẩu kim cương trực tiếp từ Nga, biện pháp này chỉ áp dụng đối với kim cương thô - loại đá quý được đào từ lòng đất nhưng vẫn chưa được cắt và làm sáng bóng. Tờ báo giải thích rằng điều này có nghĩa là Nga có thể đưa loại đá quý này sang Ấn Độ để tinh chế, sau đó kim cương vẫn có thể được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, sau khi được dán nhãn có nguồn gốc từ Ấn Độ.
Hồi tháng 6, Quy trình Kimberley đã đưa vấn đề về kim cương Nga ra thảo luận. Tuy nhiên, các cuộc họp không đi đến quyết định chính thức nào vì bị Nga, Trung Quốc và Belarus phủ quyết.
Về phần mình, Bộ Tài chính Nga đã lên án nỗ lực dán nhãn Nga là nước xuất khẩu “kim cương máu” của phương Tây là hoàn toàn vô căn cứ. Cơ quan báo chí của Bộ Tài chính Nga đã gửi một lá thư tới Quy trình Kimberley vào tháng 6 khẳng định phương Tây đang chính trị hóa tình hình.
“Nga mạnh mẽ phản đối những nỗ lực của Liên minh Xã hội Dân sự, với sự ủng hộ của một số nước phương Tây, nhằm chính trị hóa nhiệm vụ của Quy trình Kimberley bằng cách cố tình bóp méo hoặc thậm chí công khai thay đổi các nguyên tắc cơ bản của quy trình”, Nga cho biết.
Nga khẳng định kim cương của họ phù hợp với tất cả các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị được thiết lập bởi Quy trình Kimberley. Nga cũng nhấn mạnh các mỏ kim cương của nước này đang hỗ trợ sinh kế cho gần 1 triệu dân sống ở khu vực đông bắc Yakutia, những người phụ thuộc rất lớn vào sự ổn định của ngành khai thác kim cương trong khu vực.
Bộ Tài chính Nga cho biết số tiền thu được từ kim cương được dùng để mở đường, xây dựng trường học, bệnh viện và các nhà đầu tư tư nhân hoặc các tổ chức là bên chi trả các khoản thanh toán.
Cuộc họp tiếp theo của Quy trình Kimberley dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Song một số chuyên gia lo ngại tổ chức này có thể trở thành đấu trường chính trị.