Không giống kim cương tự nhiên phải mất hàng tỷ năm mới hình thành, con người chỉ mất có vài tuần để làm ra một viên kim cương nhân tạo. Các công ty Trung Quốc đã đạt tới trình độ kỹ thuật sản xuất kim cương số lượng lớn chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi, trong khi sản phẩm nhân tạo trên thực tế không khác biệt với những viên kim cương đào dưới đất là mấy.
Theo tính toán của các chuyên gia ngành, trong gần 10 năm qua, mỗi năm Trung Quốc sản xuất được 10 tỷ ca-ra kim cương. Phần lớn các sản phẩm được đưa vào sử dụng công nghiệp như công nghệ mài mòn, hàng không, khoan dầu hay con chíp điện tử.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt và kỹ thuật dần phát triển, các công ty Trung Quốc đã nghĩ tới ứng dụng kim cương nhân tạo vào ngành trang sức.
“Chúng tôi bắt đầu sự thay đổi từ năm 2014 mở rộng ra kim cương nhân tạo đạt tới trình độ làm trang sức”, Liu Yongqi tổng Giám đốc công ty Sino-Crystal trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã. Hiện công ty này sản xuất từ 2 triệu tới 3 triệu ca-ra kim cương mỗi năm, trong đó hơn một nửa phục vụ cho ngành chế tạo đồ trang sức.
Theo Paul Zimnisky, một nhà phân tích kim cương ở New York, điều quan trọng là ngay cả khi sản xuất kim cương tổng hợp ban đầu có chất lượng thấp hơn, kim cương có thể được tăng cường với các quy trình nhằm biến mặt hàng chất lượng thấp hơn thành chất lượng cao hơn. Các chuyên gia cho biết kim cương tổng hợp chỉ chiếm khoảng 3-5% thị trường tiêu dùng, nhưng thị phần đang tăng nhanh.
Nhà phân tích , Zimnisky dự đoán thị trường trang sức kim cương nhân tạo sẽ tăng 22% mỗi năm từ 1,9 tỷ USD lên 5,2 tỷ USD vào năm 2023. Nhà phân tích nói thêm rằng các công ty Trung Quốc chắc chắn có thể sớm đủ khả năng cạnh tranh với nhà sản xuất kim cương toàn cầu De Beers. “Chất lượng sản xuất kim cương tổng hợp của Trung Quốc dường như tiến bộ khá nhanh so với những gì tôi đang chứng kiến”.