Khởi động dự án theo dõi mực nước các đập dọc sông Mekong

Dự án sử dụng vệ tinh theo dõi mực nước của các đập do Trung Quốc xây dựng dọc sông Mekong đã chính thức khởi động. 

Chú thích ảnh
Dự án Mekong Dam Monitor sử dụng công nghệ vệ tinh để đo mực nước các đập tại khu vực sông Mekong. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters (Anh), con sông Mekong dài 4.350km, hay còn gọi là Lan Thương tại Trung Quốc, chảy về hướng Nam qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Con sông đã trở thành tâm điểm cạnh tranh mới giữa Washington và Bắc Kinh. 

Mỹ từng thực hiện nhiều nghiên cứu cho rằng các con đập ở Trung Quốc đã chặn giữ dòng nước, gây bất lợi cho những quốc gia ở hạ nguồn với hơn 60 triệu người sống dựa vào dòng sông lớn này để đánh cá và canh tác. Tuy nhiên, phía Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc trên. 

Dự án mới mang tên Mekong Dam Monitor do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ một phần sẽ sử dụng dữ liệu thu thập từ vệ tinh xuyên đám mây để theo dõi mực nước tại các con đập ở Trung Quốc cùng một số quốc gia khác. Thông tin sẽ được cập nhật liên tục cũng như chia sẻ công khai với mọi người gần như theo thời gian thực. 

Ngoài ra, Mekong Dam Monitor còn cập nhật chỉ số “độ ẩm bề mặt” nhằm hiển thị những khu vực nào dọc sông Mekong bị ẩm hoặc khô hơn bình thường. Đây là chỉ số cho thấy mức độ các dòng chảy tự nhiên đang bị ảnh hưởng từ những con đập. 

Ông Brian Eyler tại hãng cố vấn chiến lược toàn cầu Stimson Center phụ trách dự án trên cho biết: “Công cụ giám sát này cung cấp bằng chứng cho thấy 11 con đập lớn của Trung Quốc được bố trí và vận hành một cách tinh vi nhằm tối đa hóa sản lượng thủy điện để bán cho các tỉnh phía Đông của Trung Quốc mà không quan tâm đến những tác động đối với khu vực hạ nguồn". 

Nhiều nghiên cứu về mực nước tại các con đập của Trung Quốc trước đây đều bị Bắc Kinh lên tiếng phản đối. Trong số đó có nghiên cứu Eyes on Earth năm 2019 - một phần của dự án Mekong Dam Monitor - cho thấy dòng nước đã bị phía thượng nguồn Trung Quốc giữ lại trong khi các nước khác bị hạn hán nghiêm trọng.

"Mỹ đã không thể cung cấp bằng chứng xác đáng xuyên suốt. Những lợi ích tích cực của thủy điện thượng nguồn sông Lan Thương đối với các nước láng giềng ở hạ lưu sông Mekong là rõ ràng và hiển nhiên", Viện Kỹ thuật Năng lượng Tái tạo Trung Quốc tuyên bố hôm 4/12. Cơ quan trên đồng thời khẳng định lượng nước được tích trữ trong các hồ chứa của nước này trong mùa lũ đã giúp ngăn ngừa lũ lụt và hạn hán cho vùng hạ lưu.

Bắc Kinh và Washington đều có những tổ chức riêng để hợp tác với các nước Mekong: Nhóm hợp tác Mekong – Lan Thương (LMC) và Quan hệ đối tác Mekong – Mỹ. 

Đầu năm nay, Trung Quốc đã đồng ý chia sẻ dữ liệu thủy văn quanh năm với Ủy hội sông Mekong (MRC). Việc chia sẻ dữ liệu thủy văn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quản lý sông Mekong.  

Trong 18 năm qua, Trung Quốc chỉ cung cấp dữ liệu về mực nước và lượng mưa từ hai trạm thủy văn của nước này ở tỉnh Vân Nam - thượng nguồn sông Mekong trong mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 10 hằng năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hạn hán ngày một tăng, MRC đã đề nghị Trung Quốc cung cấp dữ liệu thủy văn quanh năm nhằm giúp phân tích nguyên nhân khiến lượng nước trên sông thấp. 
Tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cam kết chia sẻ thêm dữ liệu thủy văn với các nước trong khu vực.

Tình trạng hạn hán nghiêm trọng trải dài 4.350 km trong hai năm qua đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của 60 triệu người tại các nước phụ thuộc vào hoạt động đánh bắt cá và canh tác trên dòng sông này.

Xuân Chi/Báo Tin tức
 Đĩa băng hiếm gặp xuất hiện trên sông Trung Quốc
Đĩa băng hiếm gặp xuất hiện trên sông Trung Quốc

Mới đây, một chiếc đĩa băng hiếm gặp vừa xuất hiện ở thành phố Ulanhot thuộc khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc, khi nhiệt độ tại đây xuống cực thấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN