Theo tờ Dailymail, mất khứu giác giờ là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của COVID-19 và một số nhà khoa học còn đang phát triển phương pháp xét nghiệm COVID-19 mà trong đó sử dụng triệu chứng này để chẩn đoán.
Với nhiều bệnh nhân COVID-19, họ có khứu giác trở lại khi hồi phục. Tuy nhiên, một số người lại gặp trục trặc với khứu giác với các trải nghiệm lạ lùng, lẫn lộn.
Các bệnh nhân này gặp chứng loạn khứu, tức là rối loạn khiến các mùi bị bóp méo: các vật thường có mùi dễ chịu nay lại có mùi ngược lại.
Một bệnh nhân như vậy là Brooke Viegut ở Mỹ. Cô nói với tờ The Times rằng mình mất khứu giác sau khi mắc COVID-19 hồi mùa xuân năm 2020. Trước khi hoàn toàn lấy lại khứu giác bình thường, Viegut bị loạn khứu, không thể chịu được hành tây, tỏi và thịt. Đầu năm 2021, ngay cả súp lơ xanh cũng khiến cô khó chịu vì cô ngửi như mùi hóa chất.
Một bệnh nhân khác là Marcel Kuttab kể rằng mùi cà phê y như mùi xăng. Cô đi mua đồ ăn ồ ạt để tìm các loại đồ ăn mà cô có thể chịu đựng được khi bị loạn khứu.
Một bệnh nhân thứ ba tên là Janet Marple cho biết với cô, cà phê, bơ lạc và phân đều có mùi kiểu như cao su cháy. Marple kể: “Tôi nín thở khi dùng dầu gội đầu và giặt quần áo trở thành việc kinh khủng. Ngay cả mùi cỏ mới cắt cũng thật kinh khủng”.
Hàng nghìn bệnh nhân mất khứu giác hoặc mắc chứng loạn khứu đã lập các nhóm trên Facebook về chủ đề này với trên 10.000 thành viên.
Mất khứu giác cũng có thể gây nguy hiểm tính mạng, chứ không chỉ là gây khó chịu cho bản thân người mắc triệu chứng này.
Một gia đình ở Waco, Texas, Mỹ kịp thoát chết trong gang tấc khi nhà bị cháy mà 3 trong 4 thành viên không ngửi thấy mùi khói do đều mắc COVID-19.
Những gì bệnh nhân COVID-19 trải qua trong đại dịch đã khiến các nhà khoa học nghiên cứu xem virus và các tình trạng khác có thể ảnh hưởng tới khứu giác như thế nào.
Mặc dù các nhà khoa học có giả thiết về việc COVID-19 làm hỏng khứu giác, nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn về ảnh hưởng lâu dài của virus SARS-CoV-2 và cách điều trị trục trặc khứu giác.
Trong khi tình trạng mất thị giác và thính giác phổ biến hơn với bệnh nhân COVID-19 thì không mấy ai nghĩ mình sẽ mất khứu giác.
Tuy nhiên, khứu giác được quan tâm hơn trong năm qua vì có liên quan tới COVID-19.
SARS-CoV-2 đã khiến hàng nghìn bệnh nhân COVID-19 hoàn toàn mất khứu giác và trong một số trường hợp, khứu giác còn bị bóp méo kỳ lạ.
Trước khi có COVID-19, chứng mất khứu giác ảnh hưởng tới khoảng 2 triệu người Mỹ. Tuy nhiên, khó có thể ước tính mức độ phổ biến của chứng này vì nó thường không được đo lường.
Có người sinh ra đã không có khứu giác do gien hoặc có người mất khứu giác do tổn thương não và thần kinh do gặp tai nạn hoặc rối loạn nào đó.
Chấn thương đầu, hóa trị, bệnh Alzheimer… đều có thể gây mất khứu giác. Mất khứu giác cũng có thể do cảm lạnh hoặc nhiễm virus, như SARS-CoV-2.
Các nhà nghiên cứu đang tập trung vào một phần mô được gọi là mô khứu giác, trung tâm thần kinh trong mũi chịu trách nhiệm phát hiện mùi và gửi tín hiệu tới não.
Khi bị cảm lạnh, trung tâm thần kinh này bị chất nhầy bịt tắc, không thể ngửi được mùi. Khi mắc COVID-19, tình hình phức tạp hơn. SARS-CoV-2 có thể kích hoạt phản ứng phân tử trong trung tâm thần kinh khứu giác, ngăn chặn nó gửi tín hiệu mùi lên não. Khi các tế bào thần kinh hồi phục trong quá trình bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, chúng có thể kết nối sai, dẫn tới chứng loạn khứu.
Một biện pháp cho bệnh nhân mất khứu giác và loạn khứu là “tập ngửi” để kích thích thần kinh mũi.
Đầu năm 2021, Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã khởi động sáng kiến nghiên cứu triệu chứng COVID-19 kéo dài, trong đó có triệu chứng liên quan khứu giác. Các nhà nghiên cứu khác cũng đang thử nghiệm về loạn khứu.