Theo thông báo trên, thân nhân các tay súng IS đã trốn khỏi trại sau một cuộc nã pháo của Thổ Nhĩ Kỳ, và hiện trại Ain Issa "không có người bảo vệ".
Chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ đã bước sang ngày thứ 5, bất chấp mọi cảnh báo và trừng phạt của nhiều nước. Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR, có trụ sở tại Anh), ngày 13/10, các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ cùng lực lượng đồng minh ở Syria đã chiếm giữ phần lớn thị trấn Suluk, cách thị trấn biên giới Tel Abyad của Syria khoảng 10km về phía Đông Nam.
Trên mạng Twitter, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 480 tay súng của các Đơn vị dân quân người Kurd (YPG) đã bị "tiêu diệt" kể từ đầu chiến dịch.
Trong khi đó, các thị trấn biên giới Akcakale và Suruc thuộc tỉnh Sanliurfa của Thổ Nhĩ Kỳ đã trúng pháo bắn từ Syria.
Cùng ngày, Liên hợp quốc (LHQ) cũng cho biết hơn 130.000 người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa ở các khu vực nông thôn quanh 2 thị trấn biên giới Tel Abyad và Ras al Ain của Syria do cuộc chiến giữa YPG với các lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu.
Các bệnh viện công và tư ở hai thị trấn này đều đã phải đóng cửa. Cơ quan điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của LHQ ước tính có tới 400.000 dân thường tại khu vực xung đột này ở Syria cần viện trợ và bảo vệ trong thời gian tới.
Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ khi tiến hành chiến dịch tấn công trên được thông báo là lập một "vùng an toàn" bên trong Syria để tái định cư 3,6 triệu người tị nạn Syria đang ở tạm trong các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, OCHA cho biết ngày càng nhiều người phải đi sơ tán vì giao tranh.
LHQ cảnh báo leo thang chiến dịch sẽ làm gia tăng nguy cơ mà hàng nghìn người dễ bị tổn thương và đang phải sơ tán, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, sẽ đối mặt. Bên cạnh đó, còn có nhiều hậu quả nhân đạo khác. LHQ cũng bày tỏ lo ngại cho sự an toàn của các nhân viên thuộc 113 cơ quan LHQ và các tổ chức viện trợ quốc tế đang hoạt động trong khu vực.