Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), mỗi lần xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, cô bé đều không có triệu chứng rõ ràng. Nhưng Brooklynn vẫn may mắn bởi cha của em là ông Rodney đã lây COVID-19 từ cô bé trong tháng 9/2021 sau đó qua đời. Ông Rodney không tiêm vaccine và có bệnh nền. Mẹ của Brooklynn, bà Danielle, vô cùng lo lắng dù bé gái đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Một trong những điều khó lý giải từ COVID-19 là các triệu chứng mà trẻ em mắc phải. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, tính riêng tại Mỹ đã có hơn 12,7 triệu trẻ em dương tính với virus SARS-CoV-2. Nhìn chung, COVID-19 không khiến trẻ em rơi vào tình trạng nặng như người trưởng thành.
Tuy nhiên, nhiều em nhỏ lại có các triệu chứng không thể lý giải ngay cả khi đã khỏi COVID-19 từ lâu, còn gọi là “hội chứng COVID kéo dài”. Một số em khác lại tái nhiễm. Nhiều em nhỏ đã phục hồi tốt nhưng sau đó lại gặp phải tình trạng bí ẩn dẫn đến viêm nội tạng nghiêm trọng.
Viện Y tế Quốc gia đã cấp kinh phí để các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia Mỹ và nhiều bệnh viện khác nghiên cứu về tác động dài hạn của COVID-19 đến trẻ em. Mục tiêu là đánh giá về ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như phát triển của các em từng mắc COVID-19 về cả thể chất và tinh thần. Bên cạnh đó là tìm hiểu vệ hệ thống miễn dịch vẫn đang phát triển của trẻ phản ứng như thế nào với virus.
Nghiên cứu có sự tham gia của những em nhỏ từng mắc COVID-19 và những em khác chưa từng mắc. Trong đó có những em mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt. Trong ngày đầu tiên tham gia nghiên cứu, các em nhỏ dành toàn bộ thời gian cho khám tổng quá, từ siêu âm tới xét nghệm máu và kiểm tra hoạt động phổi…
Tiến sĩ Roberta DeBiasi, người điều hành nghiên cứu, cho biết mục đích chính là xác định biến chứng mà trẻ em có thể mắc phải sau COVID-19 và mức độ phổ biến của những biến chứng đó.
Brooklynn cũng tham gia nghiên cứu này. Bà Danielle Mitchell cho biết mục tiêu đăng ký cho bé Brooklynn tham gia nghiên cứu là nhằm tăng cường sự chú ý với việc tiêm vaccine, đặc biệt trong cộng đồng người da màu.
Ngoài ra còn có cô bé 2 tuổi Alyssa Carpenter từng mắc COVID-19 hai lần và sau đó gặp tình trạng sốt đột ngột. Chân của Carpenter đôi khi chuyển sang màu đỏ và đau nhói. Đôi khi cô bé còn chỉ ngón tay nhỏ vào ngực và nói: “Đau lắm”.
Tara Carpenter, mẹ của bé Alyssa Carpenter cho biết cô rất tuyệt vọng bởi chưa ai có thể cho họ câu trả lời về tình trạng của con mình. Nhưng trong vài tháng gần đây, triệu chứng của Alyssa Carpenter đã giảm dần khiến gia đình em nhẹ nhõm hơn phần nào.
Đối với các đối tượng tham gia nghiên cứu, những trẻ mắc hội chứng COVID kéo dài thường từng phải nhập viện. Trong nghiên cứu này, bác sĩ Linda Herbert phụ trách đánh giá về tâm lý đối với các trẻ nhỏ. Bác sĩ Herbert sẽ hỏi các em về sự mệt mỏi, giấc ngủ, nỗi đau, sự lo lắng, trầm cảm và các mối quan hệ bạn bè, liệu các em có gặp khó khăn trong việc ghi nhớ không…
Bác sĩ Linda Herbert cho biết một số em nhỏ thậm chí rất lo lắng về việc tái mắc COVID-19.