Mối quan hệ của phương Tây với Trung Quốc được đặt lên hàng đầu trong chương trình thảo luận của G7 trong bối cảnh Bắc Kinh đang gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị, đang diễn ra cuộc xung đột Nga - Ukraine và nền kinh tế toàn cầu đang khó khăn.
Tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo G7 sẽ đề cập đến những lo ngại chung liên quan Trung Quốc. Họ nói rằng sẽ không tách rời nền kinh tế của mình khỏi Trung Quốc mà sẽ giảm thiểu rủi ro bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thị trường.
Trong khi đó, Mỹ đã kêu gọi các quốc gia G7 có lập trường mạnh mẽ hơn đối với Bắc Kinh. Washington đã chặn quyền tiếp cận của Trung Quốc với các chất bán dẫn tiên tiến nhất và thiết bị để sản xuất chúng. Mỹ cũng đã gây sức ép để Nhật Bản và Hà Lan làm theo.
Nhưng các nước châu Âu như Đức và Pháp nhấn mạnh rằng G7 không phải là một liên minh chống Trung Quốc. Họ cũng nhấn mạnh rằng giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế không có nghĩa là cắt đứt quan hệ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Sana Hashmi, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Tổ chức Giao lưu Đài Loan-Châu Á ở Đài Bắc, lưu ý rằng không có sự phối hợp giữa G7 và các quốc gia khác về chính sách Trung Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay đang diễn ra tại Hiroshima, một trong hai thành phố của Nhật Bản bị Mỹ ném bom hạt nhân vào những ngày cuối cùng của Thế chiến II.
Việc lựa chọn địa điểm tổ chức trên nhấn mạnh quyết tâm của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đặt vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân lên hàng đầu trong chương trình nghị sự.