Khó khăn chồng chất trong công tác cứu hộ sau động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria

Lực lượng cứu hộ đang gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm người mắc kẹt trong đống đổ nát sau động đất có độ lớn 7,8 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Chú thích ảnh
Công tác cứu hộ tại một tòa nhà bị sập ở Osmaniye, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2. Ảnh: Getty Images

Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), tâm chấn của trận động đất này cách thành phố Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ) khoảng 33 km, ở độ sâu 18 km. Một ngày sau trận động đất, nhiều rung chấn được ghi nhận ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo số người thiệt mạng trong trận động đất có thể vượt 20.000.

Vẫn còn nhiều trường hợp mắc kẹt và nỗ lực tìm kiếm người sống sót đã thất bại do tác động của thời tiết lạnh giá. Kết nối internet kém, đường sá bị hư hại ở một số thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ cũng cản trở các đội cứu hộ.

Chú thích ảnh
Người dân đốt lửa sưởi ấm sau khi bị mất nhà cửa do động đất tại Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7/2. Ảnh: AFP/ TTXVN

Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết thời tiết và quy mô của thảm họa đã gây khó khăn cho các nhóm cứu hộ trong tiếp cận khu vực bị ảnh hưởng. Ông nói rằng máy bay trực thăng không thể cất cánh vào hôm 6/2 do thời tiết xấu.

Theo kênh CNN (Mỹ), bão tuyết lớn gần đây đã tấn công các khu vực của Syria cùng Thổ Nhĩ Kỳ, và đến 8/2, nhiệt độ dự kiến giảm xuống vài độ dưới 0 độ C.

Nhiều bức ảnh chụp tại các thành phố Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ sau động đất cho thấy các gia đình ngồi quanh bên lửa để giữ ấm. Một số người tạm trú trong xe buýt, trung tâm thể thao, thánh đường và lều tạm thời để tránh các dư chấn.

Tối 6/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố nước này sẽ để quốc tang 7 ngày tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau thảm họa động đất xảy ra trước đó cùng ngày.

Chú thích ảnh
Một bé gái được giải cứu tại Jandaris, Syria ngày 6/2. Ảnh: AFP

Ảnh hưởng từ trận động đất mạnh ngày 6/2 cùng sự tàn phá của hơn 11 năm nội chiến gây ra nhiều khó khăn cho Syria. Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc - ông El-Mostafa Benlamlih - chia sẻ với hãng thông tấn Reuters (Anh) rằng tình trạng thiếu nhiên liệu ở Syria và thời tiết mùa đông khắc nghiệt đang tạo ra trở ngại. Ông nêu rõ: “Cơ sở hạ tầng bị tàn phá, những con đường mà chúng tôi từng sử dụng cho công tác nhân đạo đã hư hỏng, chúng tôi phải sáng tạo trong cách tiếp cận người dân… nhưng chúng tôi đang làm việc chăm chỉ”.

Ở miền Bắc Syria, các tình nguyện viên cứu hộ cho biết họ thiếu nhiên liệu để vận hành thiết bị cứu hộ và thiếu nguồn lực cơ bản cần thiết trong tình trạng trời mưa và nhiệt độ giá lạnh. Các bệnh viện tại Syria rơi vào tình trạng quá tải. Nhiều cơ sở y tế đã bị tàn phá bởi trận động đất. Xuất hiện lo ngại về dịch bệnh lây lan, đặc biệt là đối với trẻ em. Chính phủ Syria đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nước này khắc phục hậu quả trận động đất.

Nhiều chính phủ đã gấp rút gửi viện trợ, nhân lực và thiết bị để hỗ trợ công tác cứu hộ. Các quốc gia trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông, cũng như Bắc Mỹ đã cam kết hỗ trợ. Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận đã nhận được đề nghị viện trợ từ 45 chính phủ, từ Kuwait đến Ấn Độ và Nga.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Reuters, AP)
Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria: Năng lượng giải phóng từ động đất tương đương 32 quả bom nguyên tử
Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria: Năng lượng giải phóng từ động đất tương đương 32 quả bom nguyên tử

Theo báo The New York Times, năng lượng giải phóng ra từ trận động đất vào sáng 6/2 ở khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tương đương 32 quả bom nguyên tử đã thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản cách đây gần 80 năm. Đây là nhận định của Giám đốc Viện Núi lửa và Địa chấn học Philippines, Renato Solidum khi đánh giá về các trận động đất có độ lớn từ 7 trở lên. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN