Đây là chiếc xe chở nhóm bác sĩ ghép tạng đang trên đường đến nhận trái tim của một người hiến tặng để cứu một người đang bên bờ sinh, tử. Cách đó không xa, tại sân bay Barajas, các nhân viên y tế mặc đồ màu xanh trên một máy bay tư nhân đang mở tủ bảo quản lạnh để lấy trái tim người hiến tạng.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang gây ra một loạt thách thức đối với các chuyên gia ghép tạng hàng đầu ở Tây Ban Nha, bệnh nhân được nhận tạng lần này quả là may mắn. Năm 2020, COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến cuộc chạy đua về thời gian này khi mà các đơn vị hồi sức tích cực đều quá tải trên khắp đất nước.
Nữ y tá Erika Martinez - rất thâm niên và kỹ năng nghiệp vụ, đã tham gia khoảng 450 ca ghép tạng, nhấn mạnh đại dịch đã làm thay đổi hẳn số ca ghép tạng. Trong làn sóng dịch thứ nhất, vấn đề chính là sự sụp đổ của các đơn vị hồi sức tích cực (ICU) tại tất cả bệnh viện. Do số ca mắc COVID-19 ngày một tăng, các ICU - vốn là nơi quan trọng thực hiện cho các ca phẫu thuật ghép tạng, luôn trong tình trạng quá tải.
Theo ông Beatriz Dominguez-Gil, người đứng đầu Tổ chức Ghép tạng quốc gia Tây Ban Nha (ONT), các ICU là nơi giúp những người có nghĩa cử cao đẹp duy trì sự sống nhờ máy móc để chờ được lấy tạng và cũng là nơi các bệnh nhân nhận tạng lưu lại những ngày đầu tiên sau khi cấy ghép.
Do số bệnh nhân mắc COVID-19 quá nhiều, nên số ca ghép tạng đã giảm 20% trong năm 2020. Dẫu vậy, với sự quyết tâm của đội ngũ y tế, Tây Ban Nha vẫn là nước có số người hiến tạng cao trên thế giới. Trong năm 2020, cứ 1 triệu người lại có 37,4 người tình nguyện hiến tạng ở Tây Ban Nha, cao hơn so với mức 29,4 ở Pháp và 36,1 ở Mỹ trong năm 2019. Bên cạnh đó, Tây Ban Nha cũng là nước có số ca ghép tạng hàng đầu thế giới, chiếm tới 5% tổng số ca ghép tạng trên toàn thế giới, dù chỉ chiếm 0,6% dân số toàn cầu. Hiện các chuyên gia đầu ngành của nước này và của thế giới vẫn nỗ lực bền bỉ vượt qua khó khăn, góp phần mang lại sự sống cho bệnh nhân.
Bà Amparo Curt, 51 tuổi, một trong những bệnh nhân may mắn dù phải trải qua quy trình phức tạp trong làn sóng dịch đầu tiên. Tháng 3/2020, bà đã được đưa vào danh sách chờ ghép tạng khẩn cấp sau khi bệnh viêm gan tự miễn tiến triển nặng và "chỉ còn vài ngày" để sống. Bà đã nhớ lại cảm giác lo lắng của mình khi "Thần chết" rình rập bên cạnh, trong khi không biết làm thế nào để có thể tìm được lá gan thay thế giữa lúc dịch bệnh bủa vây. Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười khi chỉ mấy ngày sau đó, bà nhận được cuộc gọi có thể thay gan. 5 ngày sau ca phẫu thuật, bà đã được xuất viện. Kể từ đó, bà luôn trân trọng ý nghĩa của từng phút giây trong cuộc đời mình.
Từ trên máy bay, bác sĩ phẫu thuật Juan Esteban de Villarreal, 28 tuổi, khá hồi hộp không biết ca ghép trái tim mà anh vừa lấy ra từ lồng ngực một bệnh nhân có thành công hay không. Còn tại bệnh viện Puerta de Hierro ở Majadahonda, ngoại ô Madrid, một bệnh nhân đang nóng lòng chờ đợi sự thay đổi sau khi được ghép tạng.
Tại Tây Ban Nha, hơn 75% số nội tạng được vận chuyển bằng các hãng hàng không thương mại, nhưng những tạng đặc biệt như tim, đòi hỏi thời gian gấp gáp sẽ được vận chuyển bằng máy bay tư nhân. Do không ai có thể mua được trái tim, nên ngay sau khi hạ cánh, đội ngũ y tế đã nhanh chóng đến bệnh viện Majadahonda, thay quần áo, tới phòng mổ để thực hiện công đoạn thay trái tim bệnh tật bằng một trái tim mới. Trong vòng vài giờ, các ống sẽ được rút ra, lồng ngực sẽ khép lại và trái tim sẽ bắt đầu đập lại bên trong cơ thể của người chủ mới. Đó là lúc các bác sĩ nhẹ nhàng mỉm cười vì công sức của mình vượt mọi khó khăn đã được đền đáp xứng đáng.