Trái tim rời cơ thể được đưa đi xuyên đất nước để kịp đập trong một lồng ngực khác, đôi mắt bỗng được nhìn thấy lại cả bầu trời xanh sau bao ngày tăm tối… Những chuyện cổ tích ấy chẳng ở đâu xa mà ngay quanh chúng ta, khi có những cuộc đời được tái sinh từ những phần cơ thể của người vừa rời bỏ cõi trần. Hơn bao giờ hết, tinh thần hiến mô tạng sau khi chết não đang tác động mạnh mẽ tới cộng đồng, ngọn lửa ấy chắc chắn sẽ bùng cháy với sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ.

Những món quà quý giá cho đời

Một ngày đầu năm mới, khi nhiều người còn đang bận rộn với du xuân, lễ hội, vui chơi… thì chị Phạm Cao Hoài (36 tuổi, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) lặn lội từ 6 giờ sáng bắt xe khách xuống Hà Nội. Chị vượt chặng đường gần 500km chỉ để hoàn thành tâm nguyện: ký vào lá đơn đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết não.

Sau hơn 7 tiếng trên xe khách, chị Hoài đến Hà Nội. Hẹn từ trước, chị cùng anh Lê Thành Trung, chủ nhiệm câu lạc bộ Sẻ chia sự sống Hà Nội, người đã tư vấn, hướng dẫn các thủ tục đăng ký hiến tạng cho chị, tới Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia.

Chị Phạm Cao Hoài (phải) quyết định đi đăng ký hiến tạng vào ngày đầu năm mới.

Căn phòng nhỏ tiếp đón người đến đăng ký hiến mô, tạng của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia như rộn ràng hơn bởi những lời chúc mừng năm mới, rồi thi thoảng lại rì rầm những tâm sự, sẻ chia. Có lẽ đây là căn phòng ấm áp nhất trên đời bởi ở đó tình người luôn chứa chan.

Sau khi thổ lộ tâm nguyện muốn hiến tạng và đã hoàn toàn hiểu về thủ tục cũng như những giá trị nhân văn của việc làm tốt đẹp này, chị Hoài cầm bút ký vào lá đơn đặc biệt.

Chị Hoài cho biết: “Từ cách đây hơn chục năm, khi xem một chương trình về hiến xác cho y học, biết được việc hiến các bộ phận cơ thể có thể cứu sống nhiều người, tôi đã có ý nguyện này. Nhưng hồi đó, để nói ra điều này không hề đơn giản, vì mọi người cho rằng đó là điểm gở. Nhưng gần đây, chứng kiến những câu chuyện cảm động về hiến tạng mang đến cơ hội sống cho nhiều người, tôi càng nung nấu quyết tâm ấy, mong được đóng góp chút gì đó có ích cho đời. Không biết ngày mai ra sao, nhưng không thể chờ đợi thêm nữa, tôi đã liên lạc với anh Lê Thành Trung để nhờ anh tư vấn về thủ tục đăng ký và xin nghỉ làm một ngày để đến Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia đăng ký hiến tạng sau khi chết não”.

Chị Hoài cũng cho biết, chị còn rất vui khi chuyện chị đăng ký hiến tạng có thể truyền cảm hứng cho bạn bè chị. Đã có thêm 4 người bạn của chị dự định sẽ đăng ký vào một ngày gần nhất.

Mới đây câu chuyện chàng trai tật nguyền Chu Văn Hưng (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) vượt hàng chục cây số đi đăng ký hiến tạng tại chương trình “Xuân nhân ái – Cho đi là còn mãi” do Hội chữ Thập đỏ Hà Nội tổ chức cũng khiến nhiều người xúc động, truyền cảm hứng cho cộng đồng.

Chàng trai tật nguyền Chu Văn Hưng tự tay ký vào lá đơn xin hiến tạng.

Thân mình gầy guộc, ngồi trên xe lăn, giọng nói không được tròn vành rõ tiếng, với đôi tay co quắp, Hưng vẫn cố gắng nắn nót ký vào lá đơn tình nguyện hiến mô, tạng sau khi chết não.

Mẹ Hưng cho biết, bị di chứng bại liệt từ khi mới 8 tháng tuổi, Hưng phải gắn với chiếc xe lăn cả đời. Từ nhỏ, không được tới trường nhưng Hưng đã tự mày mò học chữ. Hằng ngày, đọc thông tin trên internet và biết đến những câu chuyện hiến mô, tạng, Hưng đã nói với mẹ rằng mình cũng muốn làm điều tuyệt vời đó. Thương con tật nguyền vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, mẹ Hưng cũng nghe rồi biết vậy nhưng Hưng quá nhiều lần nhắc tới, liên tục thúc giục mẹ đến mức buộc bà phải đồng ý đưa con đi đăng ký, giúp con hoàn thành tâm nguyện.

“Tôi muốn mình phải làm được việc gì có ý nghĩa cho đời, và hiến tặng mô tạng cứu người chính là điều đơn giản nhất tôi có thể làm”, chàng thanh niên tật nguyền mãn nguyện với lá đơn trong tay, chia sẻ.

Nhưng những người được cầm trên tay tấm thẻ hiến tạng vẫn còn là may mắn, bởi có người mới chỉ gửi đơn đi đã vội qua đời. Đó là anh Hắc Ngọc Trung (29 tuổi,  trú tại Thanh Xuân, Hà Nội). Câu chuyện về chàng thanh niên qua đời vì ung thư vẫn kịp hiến giác mạc dù 2 ngày sau đó lá đơn xin tình nguyện hiến mô, tạng của anh mới được gửi đến nơi vẫn khiến nhiều người cảm động.

 

Ngày 20/2, đường dây nóng của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia nhận được một cuộc gọi đặc biệt. Người em của anh Trung gọi điện thông báo đã gửi lá đơn xin hiến mô, tạng của anh tới Trung tâm nhưng vẫn chưa tới nơi. Người gọi điện cũng thông báo anh Trung vừa trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện 198 (Hà Nội), gia đình mong muốn được hiến tặng giác mạc của anh theo di nguyện trước khi mất. Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm đã kết hợp với Ngân hàng Mắt Trung ương đến Bệnh viện tiếp nhận giác mạc của anh Trung. Khi tâm nguyện của người mất thực hiện xong, 2 ngày sau, lá đơn của anh Trung mới được chuyển tới Trung tâm với dòng chữ ký run run mang chút sức tàn của những ngày cuối trên giường bệnh.

Còn rất nhiều câu chuyện cổ tích đời thường cứ tiếp nối mãi. Những con người dung dị với ngọn lửa nhân ái, tinh thần sẻ chia đầy cao quý, đáng trân trọng đến một ngày khi về cát bụi vẫn có thể tiếp tục thắp sáng, viết tiếp cuộc đời của nhiều người khác.

Cũng chính từ sự “tiếp lửa” của những tấm gương hiến mô, tạng trao lại sự sống, ánh sáng cho nhiều người khác như: Thiên thần nhỏ Hải An (7 tuổi) hiến tặng giác mạc sau khi qua đời vì bệnh ung thư, anh Dương Hồng Quý hiến toàn bộ tạng cứu 5 người, kỹ sư Nguyễn Xuân Hải bị tai nạn khi đi công tác đã hiến giác mạc và thận cứu 4 người… gần đây, số người tình nguyện đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết não tăng nhanh đột biến. Chuyện hiến mô, tạng giờ đây đã chẳng còn quá xa lạ hay “đáng sợ” với nhiều người, thậm chí nó đã đi sâu vào nhận thức của mỗi người dân.

Nhiều địa phương đã trở thành những “điểm sáng” như: Xã Cồn Thoi (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) có tới hàng trăm người hiến giác mạc, hay tỉnh Nam Định trong năm 2018 đã vượt qua các địa phương lân cận về số người hiến giác mạc.

“Chưa bao giờ phong trào hiến, mô tạng lại có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng như hiện nay. Chỉ trong năm 2018, tổng số người đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết não đã là hơn 19.000 người, gần bằng tổng số người đăng ký của 5 năm trước cộng lại. Hiến mô, tạng không chỉ là nghĩa cử cao đẹp mà còn là cách giúp cho những người thân yêu của chúng ta vẫn còn hiện hữu trên cuộc đời này, như một món quà sưởi ấm lại trái tim đau đớn của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng…”, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia chia sẻ.

Khi sự sống được nối dài

Cậu bé 15 tuổi Phạm Văn Cơ (quê ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) có dáng dấp to cao, trông khỏe khoắn nhanh nhẹn như bao đứa trẻ khác cùng trang lứa. Gặp cậu tại Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, nhìn bề ngoài, ít ai biết được rằng cậu đang mang trong mình trái tim của một người khác.

Ngày 14/6/2018, điều kỳ diệu đã đến với cậu bé bị giãn cơ tim, suy tim giai đoạn cuối. Trong lúc mọi hy vọng chữa trị gần như đã hết, cuộc sống của Cơ chỉ còn tính từng ngày trong sự đau khổ tột cùng của mẹ em thì có thông tin một thanh niên không may bị tai nạn giao thông ở Hà Nội chết não, đã hiến tặng trái tim có chỉ số phù hợp với Cơ. Chỉ trong vài tiếng, trái tim ấy đã vượt qua hành trình hơn 700km đường hàng không để kịp cho cuộc phẫu thuật ghép chạy đua với thời gian.

Trái tim tưởng như sẽ hóa cát bụi ấy đã đập trở lại, hồi sinh cho một thiếu niên đang thoi thóp sống những ngày đau đớn trên giường bệnh.

Bà Huỳnh Thị Ánh (mẹ của Cơ) vẫn còn xúc động: “Lúc đó, các bác sĩ nói rằng con trai tôi chỉ còn cách chữa trị duy nhất là thay tim. Tôi thực sự tuyệt vọng vì điều ấy biết khi nào mới xảy ra. Lấy tim ở đâu và lấy đâu ra tiền để thay? Nhưng phép màu đã tới. Khi bệnh viện nhận được cuộc gọi báo có một người hiến tim phù hợp với Cơ, tôi mừng quá, vậy là con mình vẫn còn hy vọng sống. 2 mẹ con tôi từ bệnh viện Đà Nẵng ra Huế với tâm thế một là con sống, hai là cả 2 mẹ con cùng chết”.

“May mắn nối tiếp may mắn, ca ghép thành công, con tôi như được sống thêm lần nữa. Nhìn con hết đau đớn, khỏe mạnh trở lại, tôi vô cùng biết ơn sự tận tụy của các y bác sĩ; và đặc biệt là người đã tặng trái tim, tặng sự sống lại cho con tôi. Tôi tha thiết được gặp gia đình ân nhân để nói với họ một lời cảm ơn”, bà Ánh đặt tay lên ngực trái con trai, rưng rưng.

Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tri ân gia đình người hiến mô, tạng.

Một ngày cận kề Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, người thanh niên 27 tuổi (ở Hà Nội) không may bị tai nạn giao thông. Khi anh rơi vào tình trạng chết não, gia đình đã tình nguyện liên hệ hiến tặng toàn bộ mô, giác mạc, nội tạng của anh cho những người bệnh đang chờ ghép. Ngay lập tức, lá gan và 2 thận của anh được ghép cho 3 bệnh nhân có chỉ số phù hợp tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Còn tim của anh có chỉ số phù hợp với bệnh nhân Huỳnh Công Minh (55 tuổi) bị giãn cơ tim, suy tim giai đoạn cuối đã 6 lần ngưng tim, sự sống chỉ còn rất mong manh. Trong tình huống vô cùng khẩn trương, các bác sĩ đã thực hiện ca ghép tim xuyên Việt ngoạn mục. Để đảm bảo thời gian “vàng” trong kỹ thuật ghép tim, các bác sĩ thậm chí phải rửa tim ngay trên xe cấp cứu khi trên đường vận chuyển quả tim từ sân bay Đà Nẵng đến Bệnh viện Trung ương Huế.

 

Ca ghép thành công như mong đợi. Sau khi rời khỏi lồng ngực hơn 5 tiếng đồng hồ, trái tim người hiến đã được đặt vào lồng ngực mới và đập lại những nhịp đầu tiên trong tiếng thở phào nhẹ nhõm của các y, bác sĩ.

Những câu chuyện hồi sinh tưởng như chỉ có trong cổ tích ấy đã trở thành hiện thực. Những người được ghép tạng không chỉ sống tiếp phần đời của mình mà còn sống cả cho phần đời của ân nhân. Điều kỳ diệu ấy có được là bởi ngày càng có nhiều những tấm lòng thiện nguyện hiến mô, tạng sau khi chết não. Và hơn hết, những ca ghép tạng xuyên Việt thành công đã minh chứng cho kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam đã đạt những thành tích đáng nể. Những ca hiến- ghép cách nhau cả nghìn cây số trong nhiều điều kiện khó khăn nhưng nhờ sự khắc phục bằng khối óc và trái tim của những người thầy thuốc, những trái tim, lá gan vẫn được ghép thành công, tái sinh cho nhiều bệnh nhân suy tạng.

“Hầu hết các nước trên thế giới đều có máy bay chuyên dụng để vận chuyển tạng trong khoảng cách tầm 500km và nếu dưới mặt đất có sự hỗ trợ của cảnh sát dẫn đường để kịp thời gian vàng ghép tạng. Trên 500km, họ sẽ có chuyến bay riêng. Chưa có quốc gia nào lại phải vận chuyển nguồn tạng bằng hàng không dân dụng như ở Việt Nam; nhưng dù còn nhiều khó khăn, chúng ta vẫn phối hợp thành công để lập nên những kỳ tích”, ông Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ.

Việt Nam đã làm chủ kỹ thuật ghép tạng

Việc làm chủ kỹ thuật ghép tạng là một thành tựu đáng tự hào của nền y tế nước nhà. Ghép tạng là 1 trong 10 phát minh vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỉ 20, là thành tựu kỳ diệu nhất của y học Việt Nam để cứu sống người bệnh suy tạng giai đoạn cuối. Ngành ghép tạng Việt Nam đi sau thế giới đến gần nửa thế kỷ song đến nay các bác sĩ với những “đôi tay vàng” đã hoàn toàn làm chủ được tất cả các kỹ thuật ghép tạng phức tạp nhất.

Với những nỗ lực vượt bậc, tính đến cuối năm 2018, Việt Nam đã thực hiện thành công hơn 3.200 ca ghép thận, 105 ca ghép gan, 27 ca ghép tim, 1 ca ghép tim và thận, 1 ca ghép tim và phổi, 3 ca ghép phổi. Riêng tại Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện 756 ca ghép tạng, trong đó có 1 ca ghép phổi, 19 ca ghép tim (6 ca hỗ trợ ghép ở các bệnh viện khác), 1 ca ghép tim và thận, 680 ca ghép thận, 55 ca ghép gan…

Với những ca hiến tạng xuyên Việt, tạng sau khi lấy được bảo quản trong thiết bị chuyên dụng và vận chuyển bằng đường hàng không.

Tính chuyên nghiệp trong kỹ thuật ghép tạng còn thể hiện ở chỗ, với các trường hợp bệnh nhân chết não hiến tạng, từ lúc lấy tạng khỏi cơ thể đến khi ghép phải thực hiện trong vòng 8 tiếng đồng hồ. Do đó, thời gian di chuyển, thời gian bảo quản tạng, các trường hợp phát sinh... luôn được tính toán kỹ lưỡng nhất. Một ca ghép tạng đòi hỏi ê kíp rất đông làm việc chuyên nghiệp, phối hợp nhịp nhàng; thậm chí nếu chỉ một khâu trục trặc thì sẽ khó có thành công.

Đặc biệt, trong hoàn cảnh người cho và người nhận tạng ở hai đầu đất nước, cách nhau cả nghìn cây số thì không chỉ đòi hỏi sự ăn khớp giữa các ê kíp y bác sĩ, mà còn phải có sự phối hợp của cả các lực lượng hải quan, an ninh, nhân viên các hãng hàng không... Trong điều kiện vận chuyển tạng còn nhiều khó khăn như ở Việt Nam, đôi khi các bác sĩ còn phải “vượt khó” bằng cách sáng tạo ra những cách làm hiệu quả.

Theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, một ca hiến- ghép tạng diễn ra rất nhanh nên quá trình ghép cũng là lúc các y, bác sĩ phải đưa ra những quyết định mang tính sống còn. Để đưa được nguồn tạng sống vượt tới cả 1.700 km kéo dài nhiều giờ, các y, bác sĩ cũng phải đưa vào thiết bị bảo quản tối tân, thiết bị này do chính ê kíp sáng chế để vận chuyển nguồn tạng an toàn. Quả tim sau khi được lấy ra, bơm dung dịch vào thì chỉ bảo quản được trong vòng 2 giờ. Trong khi đó, nếu phải di chuyển từ Hà Nội tới TP. Hồ Chí Minh sẽ lâu hơn thời gian bảo quản. Vì thế, trên máy bay, thùng bảo quản tạng luôn phải được ưu tiên đặt ở khoang lái để các bác sĩ tiện chăm sóc.

Để chuẩn bị cho một ca lấy - ghép tạng, hai bàn mổ phải được thực hiện song song. Một bàn mổ phục vụ cho việc lấy tạng từ cơ thể người hiến, một bàn mổ sẵn sàng cho việc ghép. Sau khi lấy tạng ra khỏi cơ thể người hiến, tạng sẽ được phân tích kỹ trước khi ghép vào cơ thể người bệnh. Các ca ghép thường vô cùng căng thẳng bởi tất cả phải chạy đua để để kịp thời gian “vàng”.

GS. Trần Bình Giang, Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: "Với trường hợp hiến- ghép đa tạng cùng lúc, bệnh viện phải đồng thời tổ chức các ê kip lấy- ghép tạng. Bệnh viện sáng đèn xuyên đêm, thậm chí tổng số nhân lực tham gia những ca lấy- ghép đa tạng này lên tới gần 500 người, mỗi người một nhiệm vụ mà không hề “giẫm chân lên nhau”.

Các chuyên gia cũng đánh giá, thành tựu ghép tạng ở Việt Nam đã ngang tầm các nền y học tiên tiến trên thế giới; đặc biệt các ca ghép nhiều tạng cùng lúc đã liên tục thành công là điều không phải trung tâm nào trên thế giới cũng làm được.

Tuy vậy, dù kỹ thuật đã nâng tầm, nhưng hiện số ca ghép tạng ở Việt Nam vẫn còn ít ỏi so với lượng bệnh nhân đang chờ nguồn để ghép mô, tạng rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng. Ngành ghép tạng vẫn đang đứng trước thực trạng thiếu trầm trọng nguồn mô, tạng để cấy ghép, trong khi mô tạng từ nguồn các ca chết não, chết vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác chưa được sử dụng để cứu chữa người bệnh. Mặc dù số lượng đăng ký hiến tạng đang tăng rất nhanh nhưng so với hơn 90 triệu dân thì đây vẫn là con số còn rất bé nhỏ.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia trao thẻ cho những người đăng ký hiến tạng.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, cần phải tăng cường tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng sâu rộng trong toàn quốc để mỗi người dân đều hiểu biết về nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não. Bên cạnh đó, cũng cần phải trình Quốc hội sửa đổi hệ thống pháp luật về Hiến ghép mô, tạng để mở rộng hình thức đăng kí khả thi hơn như: Đăng kí qua việc cấp bằng lái xe, đăng kí khi cấp thẻ bảo hiểm y tế, mở rộng biên độ về độ tuổi hiến tặng mô, tạng cho những người không may chết não…

Với thành công của kỹ thuật ghép tạng, với sự tận tâm tận lực của các y bác sĩ và toàn thể cán bộ ngành Y, với  tinh thần tình nguyện hiến mô, tạng đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng như ngọn đuốc đang bén lửa..., rồi đây, sẽ ngày càng nhiều bệnh nhân được có thêm cơ hội sống,  ngày càng nhiều cuộc đời được nối dài trong tâm niệm “cho đi là còn mãi”.

Bài: Tạ Nguyên
Tư liệu ảnh, clip: Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cung cấp

27/02/2019 07:18