Việc Hà Nội là địa điểm được chọn tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 cho thấy “Thành phố vì hòa bình” có đủ năng lực tổ chức các sự kiện quan trọng mang tầm quốc tế, đồng thời cũng mang thông điệp về một địa danh góp phần kiến tạo hòa bình, giải quyết các xung đột và mâu thuẫn.
Đi dạo trên phố cổ Hà Nội dịp này, anh Nedrik Dap, du khách đến từ Mỹ khá ấn tượng với cờ Mỹ - Triều Tiên và Việt Nam được treo cùng với biểu tượng bắt tay hòa bình. Anh Nedrik Dap chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi đến Hà Nội và cảm thấy người dân khá thân thiện khi tiếp xúc. Tôi sẽ đi du lịch xuyên Việt trong những ngày tới để cảm nhận rõ hơn về Việt Nam"- anh Nedrik Dap cho biết.
Năm 2006, trong thời gian tham dự Hội nghị cấp cao APEC 14, Thủ tướng Australia John Howard khi đó đã dành cả 3 buổi sáng để đi bộ hai vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, như một bài thể dục hàng ngày.
10 năm sau, khoảng tháng 5/2016, trong chuyến công du Việt Nam, tổng thống Mỹ Barack Obama đã thân mật chụp ảnh, bắt tay, cười nói với hàng trăm người tại một quán quán bún chả nhỏ trên phố Lê Văn Hưu, nơi ông đến dùng bữa tối. Trên đường ra sân bay rời Hà Nội, ông Obama dừng xe, trú mưa tại một quán trà đá bên đường, thân mật trò chuyện với bà bán nước và người dân.
Đến cuối năm 2016, Hoàng tử William của vương quốc Anh đã có chuyến thăm lần đầu tới Việt Nam. Sau khi dự hội nghị quốc tế, Hoàng tử đi dạo phố cổ Hà Nội, ghé thăm một cửa hàng bán thuốc đông y, thăm một trường tiểu học và dừng chân tại một quán cà phê nhỏ, trò chuyện cùng mọi người.
Có lẽ không ở đâu mà những nguyên thủ hàng đầu quốc tế lại có thể thong dong hòa mình vào dòng chảy của cuộc sống ngày thường một cách thư thái đến như vậy. Những hình ảnh rất đời thường trên đã thêm những nét chấm phá thuyết phục về bức tranh thanh bình của Hà Nội - thành phố yêu hòa bình, an toàn và hiếu khách.
20 năm trước, ngày 16/7/1999, Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu "Thành phố vì hoà bình", do đã đáp ứng được các tiêu chí: Sự bình đẳng trong cộng đồng; Xây dựng đô thị; Giữ gìn môi trường sống; Thúc đẩy phát triển văn hoá - giáo dục; Chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ. Thủ đô Hà Nội là thành phố duy nhất của cả châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO trao danh hiệu này. Trải qua 2 thập kỷ, thành phố Hà Nội hiện nay không những phát huy được những giá trị văn hoá truyền thống, mà còn trở thành một trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, là nơi trao đổi các sáng kiến khu vực và quốc tế, vì nền hoà bình, ổn định và phát triển.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định: Yếu tố hàng đầu đối với du khách khi chọn điểm đến du lịch là sự an toàn, sự tiện lợi bởi nó mang đến sự thoải mái trong quá trình trải nghiệm. Danh hiệu “Hà Nội – thành phố vì hòa bình” trong 20 năm qua đã góp phần không nhỏ cho việc thu hút khách quốc tế. Đặc biệt, trong 5 năm qua, Hà Nội luôn được các tạp chí du lịch hàng đầu đánh giá là điểm đến an toàn, hấp dẫn – đây là yếu tố không nhỏ góp phần thúc đẩy tăng trưởng khách đến Hà Nội ở mức gần 20%. Bên cạnh đó là thời gian lưu trú dài hơn, trước kia là 1 ngày, nay lên hơn 2 ngày, cho thấy Hà Nội không chỉ là trạm dừng chân mà còn là điểm đến thú vị.
Bên cạnh bề dày về truyền thống văn hóa hơn nghìn năm, Hà Nội còn được đánh giá là thành phố của sự năng động, phát triển với nhiều dịch vụ đang tiếp cận công nghệ tiên tiến trên thế giới. Hà Nội tham gia mạng lưới Thành phố thông minh ASEAN; “Dự án các Thành phố Thế giới” (World Cities) của Liên minh châu Âu (EU) để xây dựng và phát triển Thành phố thông minh.
Đó cũng là lý do khi trả lời phỏng vấn báo Tin tức, ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đưa ra nhận định: Dân số Hà Nội hiện có gần 8 triệu dân, gấp 3 lần so với 20 năm trước. Vì vậy, thành phố Hà Nội đang đối mặt với những thách thức của quá trình đô thị hóa với các vấn đề về nhà ở, cung cấp dịch vụ xã hội, quản lý chất thải… Dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng thành phố Hà Nội vẫn đang ưu tiên nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, triển khai các bước cụ thể để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống...
“Tôi cho rằng, kết quả ấn tượng nhất đối với “Thành phố vì hòa bình” là sự thân thiện, hiếu khách của người dân đối với du khách thập phương. Được đi dạo trên đường phố là một niềm vui, với rất nhiều điểm tham quan, âm thanh và thị hiếu để trải nghiệm. Điều đó đúng, nhưng điều này khi được đặt trong bối cảnh văn hóa hòa bình sẽ là một điều rất đặc biệt”, ông Michael Croft đánh giá.
Trên nền tảng một thành phố hòa bình, một địa điểm có môi trường an ninh, ổn định cao, Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung còn luôn thể hiện được trách nhiệm của mình trong cộng đồng quốc tế, tích cực đóng góp vào kiến tạo hòa bình cho khu vực và trên thế giới.
Trong những năm qua, Hà Nội cũng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện khu vực và thế giới. Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018); Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS6) và Hội nghị Cấp cao Hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV10); Đại hội các Cơ quan Kiểm toán tối cao Châu Á (ASOSAI) lần thứ 14, nhiệm kỳ 2018-2021…
Những thành công thời gian qua cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể đăng cai tổ chức các sự kiện lớn tầm cỡ khu vực và quốc tế. Những sự kiện tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đều được tổ chức một cách chu đáo, góp phần tạo nên kết quả chung và ghi dấu một địa chỉ kiến tạo thành công các sự kiện vì hòa bình, hợp tác và sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia, dân tộc. “Đơn cử như Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN được tổ chức tại Hà Nội có tới 9 lãnh đạo các quốc gia khu vực đã đến đây cùng với 1.000 doanh nghiệp, trong đó có những tên tuổi lớn đã góp phần lớn tạo dựng hình ảnh Việt Nam năng động, hội nhập với thế giới”, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội đánh giá.
Trong hai ngày 27 - 28/2, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội. Còn gì ý nghĩa hơn khi một hội nghị về hoà bình được tổ chức ngay tại thành phố vì hoà bình.
Trao đổi với PV báo Tin tức, PGS.TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng: Mỹ và Triều Tiên lựa chọn Hà Nội là địa điểm cho Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai vì Việt Nam là biểu tượng cho một tiến trình bước qua chiến tranh, khép lại quá khứ, mở cửa hội nhập và phát triển. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này tại Hà Nội là kết quả tiếp nối của cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái. Đây là sự phát triển trong quan hệ song phương mà đến thời điểm hiện tại, hai bên thấy rằng cần phải giải quyết và có đủ điều kiện để giải quyết được vấn đề. Chính vì thế, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un vào ngày 27-28/2 tại Việt Nam được kỳ vọng có thể khơi thông bế tắc cho các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa, mang lại hòa bình và ổn định cho Triều Tiên.
“Điều quan trọng nhất là cả Mỹ và Triều Tiên đều thấy rằng Việt Nam phù hợp với lý tưởng của mình. Việt Nam được xem là hình mẫu khả thi cho sự phát triển kinh tế của Triều Tiên. Trong thời gian gần đây, chúng ta đã chứng tỏ và thể hiện đủ năng lực để tổ chức những sự kiện mang tầm vóc quốc tế. Chính vì thế, Việt Nam được xem là địa điểm phù hợp để tổ chức cuộc gặp gỡ lần này.”, PGS.TS Cù Chí Lợi nhận định.
Cũng theo PGS.TS Cù Chí Lợi, việc Việt Nam được lựa chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tiếp tiếp tục khẳng định vị thế ngày càng cao của đất nước, đồng thời thể hiện vai trò và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế. Đây là một dịp tốt để Việt Nam có thể quảng bá hình ảnh của đất nước, chứng minh mình là điểm đến an toàn, hòa bình, chính trị ổn định, có nền kinh tế hội nhập, phát triển với thế giới. Đặc biệt, việc cả Mỹ và Triều Tiên lựa chọn Việt Nam là điểm đến cho Hội nghị thượng đỉnh lần 2 cũng cho thấy con đường đúng đắn mà Việt Nam đang lựa chọn. Trước đây có thể vẫn có những ý kiến hoài nghi về mô hình mà chúng ta theo đuổi nhưng qua sự kiện này, Việt Nam một lần nữa khẳng định chúng ta đã phát triển, là quốc gia năng động, có lợi thế quan trọng trong quan hệ quốc tế. Đồng thời về mặt kinh tế, sau hội nghị này sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho thu hút đầu tư và phát triển du lịch.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khi trả lời báo chí cũng đã khẳng định việc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai tổ chức tại Việt Nam là sự kiện chính trị, đối ngoại có ý nghĩa hàng đầu của Việt Nam trong năm 2019, thể hiện sinh động chủ trương Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế và đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các vấn đề khu vực và quốc tế. Qua đó góp phần quảng bá tới bạn bè quốc tế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, Hà Nội - thành phố vì hòa bình, điểm đến thuận lợi cho thu hút đầu tư, thương mại, du lịch và trao đổi văn hóa đa dạng, đậm bản sắc Việt Nam.
Các nước đều đánh giá cao việc chọn Việt Nam để tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 là phù hợp và có ý nghĩa. Vì thực tế, Việt Nam đã thể hiện được khả năng về công tác đảm bảo an ninh an toàn trong nhiều sự kiện quốc tế lớn và các chuyến thăm song phương.
Việt Nam cũng là mối quan tâm của quốc tế về hội nhập và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua. Đặc biệt, năm 2020 Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cũng đang ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020 - 2021.
Theo dự kiến, tham gia sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 sẽ có khoảng 3.000 phóng viên quốc tế. Những hình ảnh về điểm đến an toàn và công tác tổ chức sự kiện chu đáo, hiệu quả góp phần ghi một dấu ấn tích cực về thành phố Hà Nội trong mắt bạn bè năm châu.
Để chuẩn bị, toàn bộ tuyến đường từ sân bay Nội Bài, đường Võ Nguyên Giáp, đường Võ Chí Công; các tuyến đường từ giáp ranh Bắc Ninh, từ cầu Phù Đổng, dọc đường Quốc lộ 5, khu vực cầu Chui, đường cầu Chương Dương dẫn vào nội thành và các tuyến đường trong nội thành Hà Nội đã được trang trí hơn 4.000 giỏ hoa, gần 500.000 cây xanh; các cây cầu trên đường Võ Nguyên Giáp đã được trồng hoa hồng. Gần 4.000 điểm trên toàn thành phố đã được treo cờ 3 nước Việt Nam - Mỹ - Triều Tiên và biểu tượng bắt tay hữu nghị. Thủ đô Hà Nội nỗ lực hết mình để khắc họa hình ảnh thành phố hòa bình và điểm đến lý tưởng trong mắt bạn bè năm châu.
Thành phố Hà Nội đã yêu cầu các công ty vệ sinh tham gia làm sạch, đảm bảo giữ gìn vệ sinh tại các tuyến đường chính và đặc biệt là trên các tuyến đường xung quanh nơi diễn ra các Hội nghị trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Hà Nội được lựa chọn làm nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai là niềm vinh dự, tự hào. Đây cũng là dịp để Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam văn hiến, văn minh và một Thủ đô vì hòa bình tới toàn thế giới.
Do đó, mọi người dân cần có ý thức giữ gìn vệ sinh, gọn gàng để thành phố đã đẹp càng trở nên đẹp hơn. Công tác tuyên, quảng bá phải khơi dậy được lòng yêu nước của người dân. Mỗi người dân là một sứ giả quảng bá cho hình ảnh Thủ đô, thân thiện, mến khách, xứng đáng với danh hiệu "Hà Nội - thành phố vì hòa bình". Đặc biệt, đây cũng là dịp để Hà Nội đưa thông điệp ra thế giới "Việt Nam đang phát triển, hội nhập và điểm đến cho du khách quốc tế". Đến thời điểm này, công tác phục vụ cho hội nghị cơ bản đã sẵn sàng.
Thủ đô Hà Hội đã sẵn sàng cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai vào ngày 27 - 28/2, cũng như các hoạt động liên quan. Việt Nam luôn mong muốn là nước đóng góp vào hòa bình, ổn định trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được mọi tiêu chuẩn để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên từ an ninh, hậu cần tới lễ tân và sự chuẩn bị chu đáo đó sẽ được chứng minh trong những ngày tới.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu khẳng định: Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 diễn ra tại Hà Nội là sự kiện lớn có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Tổng cục Du lịch xác định đây là cơ hội lớn để du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và điểm đến hấp dẫn thông qua báo chí quốc tế.
Trong những ngày này, đi trên phố phường Hà Nội, ai cũng cảm nhận Hà Nội sạch sẽ, ngăn nắp. Người dân luôn nhiệt tình, vui vẻ đón chào sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2. Qua việc cùng góp sức với chính quyền, nhiều người dân mong muốn Hà Nội luôn là một điểm đến tươi đẹp, an toàn, thân thiện, hòa bình, đóng góp vào nền hòa bình và sự thịnh vượng chung của toàn thế giới.
Bài: Xuân Cường
Ảnh: Lê Phú
Video: Trần Tuyết
26/02/2019 08:48