Khi công nghệ vaccine COVID-19 không dễ 'cho không'

Tới nay, gần 80% số vaccine COVID-19 đã được tiêm tập trung chỉ ở 10 quốc gia trong khi trên 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 2,5 tỉ dân vẫn chưa nhận được một liều vaccine nào. Tuy nhiên, các hãng dược không dễ dàng chia sẻ bí quyết công nghệ sản xuất vaccine của mình.

Chú thích ảnh
Bên trong nhà máy sản xuất vaccine Incepta ở Dhaka, Bangladesh, ngày 13/2/2021. Ảnh: AP

Nằm giữa một khu công nghiệp ở ngoại ô Dhaka, thành phố lớn nhất Bangladesh, là một nhà máy toàn những thiết bị mới lấp lánh nhập từ Đức, với những hành lang lạnh lẽo chạy qua hàng loạt căn phòng kín mít. Nơi này chỉ đang hoạt động với 1/4 công suất.

Đó là một trong ba nhà máy nằm ở trên ba lục địa khác nhau mà chủ sở hữu của chúng nói rằng họ có thể triển khai sản xuất hàng trăm triệu liều vaccine COVID-19 trong một thời gian ngắn, chỉ cần có bản thiết kế và bí quyết kỹ thuật.

Nhưng những bí quyết đó lại thuộc về những công ty dược phẩm lớn, đã sản xuất ra ba loại vaccine COVID đầu tiên được Mỹ, Anh, EU cấp phép là Pfizer, Moderna và AstraZeneca. Vì thế các nhà máy đều đang chờ đợi công nghệ vaccine được “bung” ra cho thế giới.

Trên khắp châu Phi và Đông Nam Á, các chính phủ, Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức nhân đạo khác đang kêu gọi các tập đoàn dược chia sẻ thông tin sáng chế vaccine rộng rãi hơn nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết trên toàn cầu để ngăn chặn đại dịch đã cướp đi trên 2,5 triệu sinh mạng.

Chú thích ảnh
Incepta là một trong 3 nhà máy ở ba lục địa khác nhau cùng một chủ sở hữu, đang chờ được chia sẻ bí quyết kỹ thuật vaccine COVID-19. Ảnh: AP

Tuy nhiên, các công ty dược, vốn nhận tiền thuế của Mỹ và châu Âu để phát triển các chế phẩm vaccine với tốc độ nhanh chưa từng có, cho biết họ đang đàm phán các thỏa thuận cấp phép độc quyền với các nhà sản xuất cụ thể vì họ cần bảo vệ tài sản trí tuệ cũng như bảo đảm an toàn vaccine.

Các nhà phê bình cho rằng cách tiếp cận từng phần đó là quá chậm trễ trong bối cảnh thế giới đang cần gấp vaccine để ngăn chặn virus trước khi nó biến đổi thành các biến chủng chết chóc hơn. WHO kêu gọi các nhà sản xuất vaccine chia sẻ công nghệ nhằm “tăng mạnh nguồn cung toàn cầu”.

Ông Abdul Muktadir, chủ nhà máy Incepta ở Bangladesh, chuyên sản xuất vaccine phòng lao, cúm, viêm màng não, sởi, thủy đậu và uốn ván, cho biết. “Nếu có thể làm điều đó, thì lập tức chỉ sau một đêm, tất cả các lục địa sẽ có hàng chục công ty có thể sản xuất các loại vaccine COVID”.

Trên khắp thế giới, nguồn cung vaccine COVID-19 đang thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu, và số lượng sẵn có ít ỏi đang đổ tới các quốc gia giàu có. Theo WHO, tới nay, gần 80% số vaccine đã được tiêm tập trung chỉ ở 10 quốc gia. Trong khi đó, trên 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 2,5 tỉ dân vẫn chưa nhận được một liều vaccine COVID nào.

Cách tiếp cận theo từng hợp đồng cũng có nghĩa, một số quốc gia nghèo sẽ phải chi trả nhiều hơn các nước giàu cho cùng loại vaccine. Nam Phi, Mexico, Brazil và Uganda đã phải trả giá khác nhau cho cùng vaccine AstraZeneca, và là giá cao hơn so với các chính phủ thuộc EU phải trả. AstraZeneca cho biết, giá vaccine khác nhau tùy thuộc vào chi phí sản xuất địa phương và số lượng đặt hàng của từng nước.

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất vaccine COVID của Pfizer tại Mỹ. Ảnh: AP

Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành của UNAIDS, đã thẳng thắn nói về tình trạng bất bình đẳng vaccine COVID-19: “Những gì chúng ta thấy ngày nay là sự giẫm đạp, sự sống sót của cách tiếp cận ‘mạnh ai nấy được’, nơi những người có túi rủng rỉnh nhất, có khuỷu tay sắc nhọn nhất đang tóm lấy [vaccine] và để mặc người khác chết”.

Tại Nam Phi, quê hương của biến thể COVID-19 gây nhiều lo ngại nhất thế giới, nhà máy Biovac cho biết họ đã đàm phán nhiều tuần với một nhà sản xuất mà vẫn chưa đi đến được hợp đồng. Tại Đan mạch, nhà máy Bavarian Nordic có công suất trên 200 triệu liều vaccine nhưng vẫn đang chờ đợi “một lời” từ nhà sản xuất gốc.

Các chính phủ và chuyên gia y tế đã đề xuất hai giải pháp tiềm tàng nhằm giải quyết tình trạng thiếu vaccine:

Giải pháp thứ nhất, được WHO ủng hộ, là một nhóm bằng sáng chế dựa trên nền tảng vốn được thiết lập cho điều trị các bệnh như HIV, lao, gan nhờ tình nguyện chia sẻ công nghệ. Tuy nhiên không có công ty nào đề xuất chia sẻ dữ liệu vaccine COVID-19 của mình.

Thứ hai là một đề xuất tạm ngừng quyền sở hữu trí tuệ trong đại dịch, nhưng đã bị Tổ chức Thương mại thế giới (dẫn đầu là Mỹ và châu Âu) ngăn chặn, dù được sự ủng hộ của ít nhất 119 quốc gia và Liên minh châu Phi.

Các công ty dược cho biết, thay vì dỡ bỏ các hạn chế về quyền sở hữu trí tuệ, các nước giàu nên chuyển giao nhiều vaccine hơn cho các nước nghèo thông qua chương trình COVAX của WHO nhằm phân phối vaccine công bằng trên thế giới.

Tuy nhiên các quốc gia giàu có lại không sẵn sàng từ bỏ những gì họ có. Liên minh châu Âu còn áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vaccine, cho phép các quốc gia có quyền ngăn chặn chuyển các lô hàng rời khỏi lãnh thổ.

Chú thích ảnh
Kỹ thuật viên tại nhà máy Incepta, Bangladesh. Ảnh: AP

Trở lại Bangladesh, nhà máy Incepta đã tìm mọi cách có được những gì họ cần để sản xuất thêm vaccine theo hai cách: cung cấp dây chuyền sản xuất cho Moderna và liên hệ với một đối tác của WHO. Moderna đã không trả lời các đề nghị bình luận về nhà máy ở Bangladesh, nhưng Giám đốc điều hành của họ, Stéphane Bancel, nói với các nhà lập pháp châu Âu rằng các kỹ sư của công ty đã quá bận rộn với việc mở rộng sản xuất ở châu Âu.

“Thực hiện thêm chuyển giao công nghệ lúc này có thể thực sự đặt sản xuất và sản lượng trong những tháng tới đến rủi ro lớn. Chúng tôi rất mở về điều đó trong tương lai, một khi các địa điểm hiện tại của chúng tôi đều hoạt động”,  bà Bancel giải thích.

Thật khó để biết chính xác có thể sản xuất thêm bao nhiêu liều vaccine trên toàn thế giới nếu các hạn chế về sở hữu trí tuệ được dỡ bỏ. Nhưng Suhaib Siddiqi, cựu giám đốc phụ trách hóa học tại Moderna, cho biết với bản thiết kế và tư vấn kỹ thuật, một nhà máy hiện đại sẽ có thể sản xuất vaccine COVID chỉ trong 3-4 tháng.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo AP)
Vận chuyển vaccine COVID-19 – thách thức an ninh đáng được dựng phim
Vận chuyển vaccine COVID-19 – thách thức an ninh đáng được dựng phim

Các công ty vận chuyển đang sử dụng cả công tác khẩn cấp, nút bấm báo động, vệ sĩ mặc thường phục cùng hàng tấn thiết bị giám sát để bảo đảm việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 an toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN