“Đó thực sự là một nhiệm vụ đầy khó khăn”, Bộ trưởng Thương mại Bolivia Benjamin Blanco miêu tả về nhiệm vụ thu mua vaccine khi quốc gia có 11,5 triệu dân số này ghi nhận tới trên 11.600 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi các nhà sản xuất vaccine phương Tây nói rằng “những quốc gia đang phát triển như Bolivia phải đợi đến tháng 6 mới có hàng” thì Nga đã biến chương trình tiêm chủng thành hiện thực.
Theo hãng tin Reuters, sự phụ thuộc của Bolivia vào Moskva đã phần nào phản ánh cách mà các chính phủ trong khu vực chuyển sang sử dụng vaccine Sputnik V của Nga trong bối cảnh lo ngại bị tụt lại trong cuộc chiến tranh giành vaccine toàn cầu. Trong khi nhiều quốc gia phát triển giàu có hơn dễ dàng ký được các thỏa thuận với các nhà sản xuất thuốc lớn như Pfizer và AstraZeneca, các nước ở Mỹ Latinh lại gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung vaccine đầy đủ.
Đối với Nga, sự chấp nhận sử dụng Sputnik V ở Mỹ Latinh càng tạo thêm uy tín cho loại vaccine này, do trước đó vấp phải sự hoài nghi ban đầu vì phát triển quá nhanh. Điều này cũng tạo cho Moskva cơ hội gây dựng vị thế trong khu vực giàu tài nguyên vào thời điểm mà vaccine COVID-19 đang trở thành công cụ cho quyền lực mềm.
So sánh với những thách thức trong quá trình đàm phán với các nhà sản xuất vaccine đa quốc gia, giới chức tại ba nước Mỹ Latinh cho biết giao dịch với nhà sản xuất Sputnik V dễ dàng hơn rất nhiều, với điều khoản hợp đồng ít rắc rối hơn và mức giá hấp dẫn hơn.
Sau khi Tổng thống Arce nhậm chức vào đầu tháng 11, Chính phủ Bolivia đã tiến hành các cuộc đàm phán để đặt hàng vaccine AstraZeneca. Bộ trưởng Blanco miêu tả những cuộc đàm phán này đầy "khó khăn" và "căng thẳng". Các cuộc đàm phán do Viện Huyết thanh Ấn Độ, là nhà sản xuất vaccine AstraZeneca, dẫn đầu. Vào tháng 1, Bolivia ký một thỏa thuận với Viện Huyết thanh Ấn Độ với số lượng 5 triệu liều, song phải chờ đến tháng 4 mới được nhận hàng hàng. Trong khi đó, quốc gia Mỹ Latinh này cũng không thể đàm phán với Pfizer vì thiếu cơ sở hạ tầng để bảo quản vaccine ở nhiệt độ thấp theo yêu cầu.
Bộ trưởng Blanco chỉ ra sự khác biệt chính trong việc giao dịch với Nga so với những nhà sản xuất vaccine khác là họ cam kết chấp nhận trách nhiệm pháp lý cho bất kỳ vấn đề nào. Bên cạnh đó, mức giá vaccine cũng ưu đãi hơn do Nga đề nghị bán vaccine ngừa COVID-19 với giá chỉ 10 USD/liều, trong khi các hãng dược phẩm như Pfizer đang bán cho các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và Mỹ với giá 19 USD/liều.
Tuy nhiên, ký kết hợp đồng vaccine với Nga là một canh bạc lớn đối với các quốc gia Mỹ Latinh vì không phải không có rủi ro. Mặc dù được nhiều nghiên cứu và kết quả thử nghiệm lâm sàng chỉ ra vaccine ngừa COVID-19 của Nga có hiệu quả lên tới 91,6% song vẫn chưa rõ Sputnik V có hiệu quả như thế nào trước các biến thể virus SARS-CoV-2 mới, bao gồm một biến thể nguy hiểm đang lây lan mạnh ở Brazil.
Về phần mình, phái viên giao dịch thương mại của Nga tại Bolivia ông Iakov Fedorov khẳng định thỏa thuận vaccine giữa hai nước không mang tính “chính trị” và chính phủ Nga “luôn sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ” Bolivia. Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) đã thống nhất cung cấp 5,2 triệu liều Sputnik V cho Bolivia, đủ hai mũi tiêm 2,6 triệu người dân nước này. Tính đến thời điểm hiện tại, Bolivia cho biết họ đã nhận được 20.000 liều vaccine.
Không chỉ có Bolivia, RDIF thông báo đã đạt được thỏa thuận cung cấp vaccine cho ít nhất quốc gia Mỹ Latinh với trên 60 triệu liều. Các quốc gia khác trong khu vực cũng đang để mắt tới Sputnik V.
RDIF cho biết họ đã đạt được hợp đồng cam kết cung cấp vaccine cho trên 500 triệu người trong năm nay. Mới đây nhất, Nga thông báo cấp 300 triệu liều Sputnik V cho các nước châu Phi cùng với một gói tài chính cho các quốc gia đảm bảo tiêm chủng.