Hội nghị gồm hai phần: phiên họp hẹp và họp mở rộng, dự kiến bàn về các vấn đề thời sự quốc tế và khu vực, cũng như vấn đề tiếp tục mở rộng tổ chức.
Tham dự hội nghị lần này có nguyên thủ quốc gia của các nước thành viên gồm Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgystan, Trung Quốc, Pakistan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan. Các nước quan sát viên gồm Afghanistan, Belarus, Iran và Mông Cổ.
Theo quy chế của hội nghị, lãnh đạo các nước sẽ có phiên họp hẹp, sau đó họp mở rộng với sự tham dự của trưởng phái đoàn đại biểu các nước quan sát viên SCO, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, trong đó có Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ), Chủ tịch Ban chấp hành của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), quyền Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (SCTO) và người đứng đầu Hội đồng Ủy ban Kinh tế Á-Âu.
Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov cho biết tại cuộc họp hẹp, lãnh đạo các nước SCO sẽ thảo luận tình hình hiện tại và triển vọng làm sâu sắc thêm hợp tác trong khuôn khổ SCO trong các lĩnh vực an ninh, chống khủng bố và buôn bán ma túy, phát triển kinh tế, công nghiệp, nhân đạo. Ngoài ra, các bên cũng sẽ xem xét tình hình ở Aghanistan và khu vực Trung Đông.
Sau phiên họp hẹp, các bên sẽ họp mở rộng. Kết quả hội nghị sẽ được thể hiện trong Tuyên bố chung Bishkek, trong đó có quan điểm của SCO về mở rộng tổ chức và đánh giá về các vấn đề thời sự thế giới và khu vực.
Ngoài ra, Hội nghị Bishkek cũng sẽ ký nhiều văn kiện như thỏa thuận liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực truyền thông đại chúng, quan điểm hợp tác trong lĩnh vực số hóa và công nghệ thông tin - viễn thông, lộ trình hành động của Nhóm tiếp xúc SCO - Afghanistan, bản ghi nhớ với Tổ chức du lịch thế giới, bản ghi nhớ với Cơ quan điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ và Tổ chức Lương - Nông LHQ (FAO).