Những mâu thuẫn tồn tại trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải

Hơn 17 năm về trước, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã được thành lập bởi Nga, Trung Quốc và 3 quốc gia vùng Trung Á là Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan, sau này kết nạp thêm Uzbekistan vào năm 2001. Tuy nhiên, để có thể hoạt động hiệu quả và có tiếng nói hơn nữa trong những vấn đề quốc tế và khu vực, có lẽ, SCO trước hết cần phải khắc phục được những mâu thuẫn ngay trong nội bộ của mình.

Thủ tướng Afghanistan Hamid Kazai (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani  tham gia SCO. Ảnh: AAP


Một trong những mục tiêu chính của SCO là ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố, ly khai và cực đoan tại khu vực Trung Á. Vào thời điểm đó, Trung Quốc còn được xem là một thế lực đang nổi lên trong khu vực, còn Nga thì đang ở thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa tư bản, tuy nhiên, vẫn bị coi là một cường quốc yếu.

Cho đến ngày 13/9 vừa qua, khi SCO tổ chức hội nghị thượng đỉnh hàng năm tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan, thì tình hình đã thay đổi căn bản: Trung Quốc giờ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 của thế giới, trong khi Nga đang thể hiện mọi nỗ lực để duy trì vị thế cường quốc của mình trên các diễn đàn quốc tế.

Hiện tại, các nước thành viên SCO cũng chiếm tới 60% khu vực Á-Âu, với dân số hơn 1,4 tỷ người, bao gồm một nước có nền kinh tế thứ 2 thế giới và nhiều quốc gia sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất.

Một số chuyên gia thậm chí còn suy đoán về khả năng tồn tại mối quan hệ đồng minh tay ba Moscow–Delhi–Bắc Kinh trong khuôn khổ SCO. Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi: liệu đó có phải là bộ khung của SCO hay chỉ đơn giản là mối liên hệ đồng minh yếu ớt của những cường quốc đối nghịch.

Xung đột và mâu thuẫn nội bộ

Tại hội nghị vừa rồi, các thành viên SCO đã nêu câu hỏi liên quan đến sự ổn định tại Trung Á vào năm 2014 sau khi NATO rút quân khỏi Afghanistan. Hội nghị cũng hứa hẹn nhiều về hợp tác an ninh chung, vận chuyển năng lượng và phát triển kinh tế. Tuyên bố chung Bishkek đã tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ đấu tranh chống khủng bố, ly khai, tăng cường tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như thúc đẩy việc thành lập một ngân hàng phát triển SCO. Hội nghị cũng có sự góp mặt của Tổng thống mới được bầu của Iran, ông Rouhani, với mục đích tìm kiếm sự ủng hộ đối với chương trình hạt nhân mà chính phủ Iran đang theo đuổi.

Tuy nhiên, việc đàm phán công nhận tư cách thành viên của Iran tiếp tục bị gác lại, cũng như việc chưa chấp nhận tư cách thành viên đối với Ấn Độ và Pakistan đã thể hiện những hạn chế và mâu thuẫn của tổ chức này. Nổi bật là những tranh giành và xung đột về lợi ích của hai ông lớn là Trung Quốc và Nga.

Trước hội nghị, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến công du tới 4 trong 5 nước Cộng hòa tại Trung Á, ký kết nhiều thỏa thuận giá trị hàng tỷ USD, cũng như cam kết tăng cường gắn kết lợi ích kinh tế của Trung Quốc đối với khu vực này.

Nga cũng khẳng định vai trò quốc tế của mình thông qua hội nghị thượng đỉnh các nước G20 tại thành phố St Petersburg, cũng như qua việc giải quyết khủng hoảng Syria.

Và ngay tại Bishkek, cả hai quốc gia này đều theo đuổi những lợi ích riêng của mình: Nga cố gắng hoàn thành giải pháp dành cho Syria, trong khi Trung Quốc thúc đẩy việc thành lập ngân hàng phát triển SCO, gắn kết các quan hệ đầu tư, cũng như thúc đẩy và củng cố các thỏa thuận về năng lượng trong khối. Rõ ràng, cả Nga và Trung Quốc đều muốn theo đuổi những lợi ích riêng của mình hơn là tham gia hợp tác một cách đầy đủ như tiêu chí của tổ chức.

Sự xung đột lợi ích như vậy có thể phá hủy nhiều bước tiến quan trọng đạt được như trong tuyên bố Bishkek. Thứ nhất, Nga rất thận trọng về việc xây dựng một ngân hàng phát triển SCO vì lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng ngân hàng này để tăng cường ảnh hưởng chính trị đối với khu vực Trung Á bằng việc lợi dụng sức mạnh kinh tế của mình. Tuy nhiên, rõ ràng là nếu không có sự đồng thuận của Nga, một ngân hàng phát triển SCO kiểu vậy sẽ không thể tồn tại trong một khu vực Trung Á do Nga đang kiểm soát. Triển vọng phát triển kinh tế và đầu tư trong SCO do đó sẽ bị hạn chế bởi quan hệ giữa hai đối thủ Nga - Trung.

Thứ hai, việc đảm bảo ổn định và an ninh đối với khu vực SCO sẽ cần đến bộ khung hợp tác quân sự. Vấn đề rất lớn đối với SCO hiện nay là việc thiếu đi một hiệp ước an ninh tập thể ổn định - dù cho quân đội Trung Quốc và Kyrgyzstan đã tiến hành tập trận chung vào tháng 8 vừa rồi, SCO vẫn chưa có sự hiện diện quân sự mang tính chính thức tại Trung Á. Ngược lại, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Nga dẫn đầu (CSTO) vẫn là lực lượng chủ yếu tại khu vực, và Nga vẫn đang duy trì căn cứ quân sự tại Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.

Mặt khác, tại Kazakhstan, quốc gia giàu nhất khu vực Trung Á, cũng từng chứng kiến nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc trong những năm trở lại đây, và vì thế, triển vọng hợp tác quân sự với Trung Quốc sẽ rất hạn chế. Và trong trường hợp khẩn cấp, như là xung đột sắc tộc hoặc tôn giáo, SCO có lẽ sẽ không thể có phản ứng hợp tác một cách toàn diện.

Trong bất cứ trường hợp nào, SCO có lẽ sẽ không sẵn sàng thách đố lợi ích của NATO hay Mỹ tại khu vực Trung Á và lục địa Á-Âu, có nghĩa là khả năng thay thế phương Tây trong giải quyết các vấn đề chính trị của SCO vẫn rất không chắc chắn.

Trong tương lai, SCO có thể sẽ bao gồm Iran, Pakistan và Ấn Độ. Vì thế, tổ chức này có thể dễ dàng can thiệp vào các cuộc đàm phán liên quan tới xung đột Kashmir và chương trình hạt nhân Iran. Tuy nhiên, với việc "thu nạp" thêm những xung đột này, SCO sẽ chỉ bị hạn chế hơn trong đường hướng phát triển của mình. Nếu SCO muốn thay thế được Mỹ trong giải quyết các vấn đề quốc tế, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới khu vực Trung Á, trước tiên, tổ chức này phải giải quyết được những mâu thuẫn nội tại của mình.


Lê Hoàng (theo Diễn đàn Đông Á)

Nga - Trung ký 21 thỏa thuận hợp tác
Nga - Trung ký 21 thỏa thuận hợp tác

Trong chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Nga Dmitry Mevedvev và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cùng chứng kiến lễ ký kết 21 thỏa thuận hợp tác song phương nhiều lĩnh vực, nổi bật là hợp đồng mua bán dầu mỏ trị giá 85 tỷ USD.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN