Khả năng Anh đẩy nhanh việc hạn chế lao động nhập cư tay nghề thấp

Theo phóng viên TTXVN tại London, vấn đề nhập cư nhiều khả năng sẽ trở thành chủ đề gây bất đồng căng thẳng giữa Chính phủ Anh và giới doanh nghiệp trong tuần này, trong bối cảnh Thủ tướng Boris Johnson triển khai thúc đẩy sớm các biện pháp hạn chế nhập cư đối với lao động tay nghề thấp sau khi nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - Brexit.

Chú thích ảnh
Khả năng Anh đẩy nhanh việc hạn chế lao động nhập cư tay nghề thấp. Ảnh: ft.com

Sách Trắng của Anh về nhập cư sau Brexit được cựu Thủ tướng Theresa May đưa ra năm 2018 cam kết trì hoãn trong vòng 2 năm sau Brexit mới áp dụng các biện pháp hạn chế nhập cư đối với lao động tay nghề thấp để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước đối với những công việc có tính thời vụ hoặc mức lương thấp khó tìm lao động. Tuy nhiên, báo chí Anh dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết dự kiến trong tuần này, nội các của Thủ tướng Johnson sẽ thảo luận kế hoạch hủy thời gian chuyển tiếp nói trên, và áp dụng quy định nhập cư mới ngay từ đầu năm 2021.

Từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Johnson chưa bày tỏ quan điểm về việc tán thành hay phản đối thời gian chuyển tiếp trong vấn đề lao động nhập cư mà các doanh nghiệp đặt ra. Giới doanh nghiệp Anh lo ngại việc áp dụng một hệ thống nhập cư tính theo thang điểm giống mô hình Australia đang áp dụng có thể đẩy Anh vào tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là với những công việc có tính thời vụ, hoặc thậm chí cả với ngành công nghiệp ô tô.

Giới doanh nghiệp Anh đang vận động chính phủ triển khai dần những thay đổi về quy định nhập cư đối với lao động tay nghề thấp trong vòng 2 năm để họ có đủ thời gian điều chỉnh kế hoạch kinh doanh thay vì áp dụng các quy định nhập cư mới ngay từ tháng 1/2021 - thời điểm kết thúc giai đoạn chuyển tiếp theo thỏa thuận Brexit hiện tại.

Các nhà tuyển dụng Anh lo ngại hệ thống nhập cư mới sẽ gây khó khăn cho việc thuê các lao động EU trong những ngành có mức lương thấp như chế biến thực phẩm, xây dựng và dịch vụ xã hội. Theo quy định mới sẽ được áp dụng, mức lương tối thiểu hằng năm để người lao động EU được cấp visa vào Anh làm việc là 30.000 bảng Anh, nhưng đa số (76%) người lao động EU đang làm việc tại Anh có mức lương hiện tại thấp hơn con số trên. 

Theo các nhà phân tích về thị trường lao động Anh, những lao động EU có thu nhập dưới 30.000 bảng không hề lấy mất việc làm của người lao động “xứ sở sương mù”, mà trong thực tế họ đang bù đắp cho tình trạng thiếu hụt lao động thực sự tại Anh trong những lĩnh vực khó tìm người vì mức lương thấp. 

Riêng đối với ngành nông nghiệp, Chính phủ Anh đã cam kết xem xét thiết lập các quy định cho phép người lao động nước ngoài tay nghề thấp vào Anh trong vòng 6 tháng vào mùa thu hoạch, nhưng các ngành khác thì nhiều khả năng sẽ không được hưởng chế độ miễn trừ này.

Cùng với ngành công nghiệp ô tô, nhiều lĩnh vực thuộc ngành dịch vụ của Anh dự báo sẽ bị ảnh hưởng mạnh nếu quy định nhập cư mới được áp dụng ngay từ đầu năm 2021. Khoảng 25% trong số 3,2 triệu lao động trong ngành nhà hàng, khách sạn tại Anh là người nước ngoài, và khoảng 12% trong số trên là công dân EU.

Tuấn Anh  (TTXVN)
Hàng trăm nghìn công dân EU xin ở lại Anh sau Brexit
Hàng trăm nghìn công dân EU xin ở lại Anh sau Brexit

Theo số liệu Chính phủ Anh công bố ngày 30/5, chỉ riêng trong 4 tháng đầu năm, Anh đã nhận được 750.000 đơn xin cư trú lâu dài tại nước này của các công dân Liên minh châu Âu (EU).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN