Kẻ săn trộm bị voi giẫm chết, sư tử ăn thịt

Kẻ săn trộm tê giác lẻn khu vực cấm đã bị một con voi tấn công, thậm chí còn bị đàn sư tử đói ăn thịt, chỉ sót lại duy nhất chiếc quần rách.

Chú thích ảnh
Chiếc quần của tên săn trộm và số vũ khí thu giữ được từ nhà những kẻ đồng bọn. Ảnh: CBS News

Đại diện Công viên Quốc gia Kruger thuộc Vườn Quốc gia Nam Phi thông báo hôm 1/3, người đàn ông này cùng đồng bọn đã lẻn vào công viên để săn bắt tê giác.

Cảnh sát Nam Phi cho biết một con voi đã bất ngờ lao đến tấn công, giẫm chết kẻ săn trộm. Những tên còn lại đã khiêng xác hắn ra vệ đường để người xung quanh có thể tìm thấy, sau đó bọn chúng bỏ đi. 

Theo CNN, những kẻ đi cùng báo về cái chết của tên săn trộm cho gia đình của hắn vào cuối ngày hôm sau. Một đội tìm kiếm ngay lập tức được thành lập. Lực lượng kiểm lâm tìm kiếm trên mặt đất trong khi cảnh sát dùng trực thăng quan sát từ trên cao. 

Mãi ba ngày sau đó, lực lượng chức năng mới có thể tìm thấy phần còn lại của thi thể người đàn ông. “Dấu vết tại hiện trường cho thấy khả năng một đàn sư tử đã xé xác ông ta, chỉ để lại đầu và chiếc quần”, báo cáo của cảnh sát cho hay. 

Glenn Phillips, người quản lý công viên Kruger đã gửi lời chia buồn đến gia đình nạn nhân. “Đi bộ vào Công viên Quốc gia Kruger thật dại dột, nơi đây ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm và vụ tai nạn này là một minh chứng”, ông Phillips cảnh báo. 

Ba tên khác trong cuộc săn bắn trái phép này đã bị bắt hôm 3/4. Những đối tượng này đều phải hầu tòa và đối mặt những cáo buộc sở hữu vũ khí trái phép, âm mưu săn trộm cũng như đột nhập trái phép.  Cảnh sát đang tiếp tục điều tra vụ việc. 

Tê giác châu Phi thường bị những kẻ xấu bắn giết để lấy sừng bán lậu sang châu Á. Thị trường này đồn thổi sừng tê giác có tác dụng thần dược, giống như thuốc kích thích tình dục, có thể chữa được ung thư và thậm chí còn đắt hơn cả cocaine ở nhiều nơi trên thế giới.

Loài tê giác đen tại công viên Kruger nằm trong danh sách bị đe dọa nghiêm trọng sau khi số lượng của chúng bị giảm từ 65.000 con năm 1970 xuống còn 2.400 con năm 1995.

Năm 2016, chỉ còn khoảng 349 – 465 con tê giác đen sống ở Kruger cùng với khoảng 6.600 – 7.800 con tê giác trắng. Công viên này đang xem xét mở rộng vùng bảo vệ, kết hợp với gia tăng phương án bảo vệ để ngăn chặn nạn săn trộm, bao gồm máy bay quan sát, chó nghiệp vụ, kiểm lâm…

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Quyết một tháng không rửa chân để giấu ma túy, qua mặt an ninh sân bay
Quyết một tháng không rửa chân để giấu ma túy, qua mặt an ninh sân bay

Một người đàn ông tại Trung Quốc nhất quyết không rửa chân cả một tháng để tạo mùi khó chịu hòng qua mặt an ninh ở sân bay khi giấu ma túy tổng hợp kích thích Amphetamine trong giày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN