Theo thống kê, cho đến nay, 47.477.646 người tại Italy đã tiêm ít nhất 1 mũi, chiếm 87,91% dân số trên 12 tuổi và 45.830.582 người đã được tiêm đầy đủ, chiếm 84,86%. Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cho biết chiến dịch tiêm chủng của nước này đang được thực hiện nhanh hơn so với đa số các quốc gia châu Âu và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Những yếu tố giúp thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng tại Italy có thể kể đến như việc triển khai “siêu thẻ xanh” - chỉ được cấp cho những người đã tiêm chủng hoặc những người đã bình phục sau khi mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng, sự xuất hiện của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 và yêu cầu đảm bảo an toàn cho kỳ nghỉ lễ Giáng sinh 2021 và Năm mới 2022.
Hiện nay, lượng vaccine có sẵn và dự kiến bàn giao cho Italy là khoảng 2,5 triệu liều. Số vaccine này sẽ được phân bổ tới tất cả các vùng. Theo kế hoạch, khoảng 1,5 triệu liều sẽ triển khai tiêm cho đối tượng trong lứa tuổi 5-11 tuổi bắt đầu từ ngày 16/12, sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech; liều lượng10 mcg với 2 liều cho một liệu trình đầy đủ, mỗi liều 0,2ml và cách nhau 3 tuần.
Đối tượng ưu tiên là những trẻ em dễ bị tổn thương như trẻ bị suy giảm miễn dịch do đang trong điều trị bệnh, các em được cấy ghép nội tạng, hay tế bào gốc tạo máu. Các em trong nhóm này có thể tiêm liều bổ sung sau ít nhất 28 ngày kể từ khi được tiêm liều thứ hai.
Đường cong dịch bệnh của Italy trong những ngày gần đây đang có dấu hiệu đi lên. Ngày 8/12, nước này thông báo phát hiện 17.959 ca mắc mới, cao nhất kể từ ngày 9/4, thời điểm có 18.938 ca mắc mới được ghi nhận. Cùng lúc, số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng lên mức 134.472 ca, cao hơn 86 ca so với một ngày trước đó.
Đây là mức tử vong theo ngày cao thứ 2 tại châu Âu, sau Anh và cao thứ 9 trên thế giới. Kể từ khi dịch bùng phát hồi tháng 2/2020 đến nay, Italy ghi nhận tổng cộng 5,15 triệu ca mắc, trong đó hiện còn 6.099 người nằm viện và 791 người đang được điều trị tích cực.