Ông Giancarlo Giorgetti, Thư ký Nội các Italy, cho biết đây sẽ là kế hoạch duy tu, bảo dưỡng “chưa từng có”, với các khoản đầu tư lớn dành cho các công trình công cộng. Mặc dù không cho biết chi tiết, nhưng ông Giorgetti tỏ ý hy vọng khoản ngân sách dành để thực hiện kế hoạch này là khá lớn, đồng thời nhấn mạnh dự án sẽ không gây ảnh hưởng đến các chỉ tiêu thâm hụt ngân sách, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc các quy định của Liên minh châu Âu (EU).
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, ông Francesco Cozzi, vị công tố phụ trách điều tra vụ sập cầu Morandi, lên tiếng chỉ trích rằng nhà nước đã “từ bỏ” trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an toàn cho hệ thống đường sá ở Italy. Ông Cozzi cho biết khó có thể chấp nhận việc tư nhân được trao trách nhiệm này. Tuy nhiên, ông Cozzi lại không đề cập đến khả năng quốc hữu hóa Autostrade per I'Italia, công ty quản lý và vận hành cầu cao tốc Morandi, mà chỉ nói rằng một cơ quan độc lập có thể được giao trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hệ thống đường sá ở nước này.
Trong khi ông Cozzi đang chỉ trích công tác quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng trước đây của nhà nước thì chính phủ mới của Italy lại đổ lỗi cho Autostrade per I'Italia về vụ sập cầu Morandi. Autostrade đã tuyên bố dành 500 triệu euro để xây dựng lại cầu Morandi cũng như hỗ trợ thàng phố cảng Genoa phục hồi trở lại sau thảm họa sập cầu. Ngoài ra, Autostrade cũng cam kết việc xây dựng lại cầu Morandi sẽ được hoàn thành trong vòng 8 tháng.
Tuy nhiên, đề xuất của Autostrade đã bị 2 Phó Thủ tướng Italy là ông Matteo Salvini và Luigi di Maio bác bỏ. Theo 2 quan chức này, “nhà nước sẽ không chấp nhận sự hỗ trợ của Autostrade”. Phía Chính phủ Italy cho rằng Autostrade có lỗi và có trách nhiệm phải đền bù, chứ không phải hỗ trợ. Trước đó, Chính phủ Italy ngày 17/8 cũng đã chính thức thực hiện các thủ tục để thu hồi giấy phép quản lý và vận hành các đường cao tốc của Autostrade.