Trả lời phỏng vấn đài truyền hình nhà nước RAI, Bộ trưởng Speranza nêu rõ Italy cần tăng cường các biện pháp hạn chế sau khi đã nới lỏng hạn chế trong những tuần qua, nhằm tránh phải áp lệnh phong tỏa toàn quốc thêm lần nữa.
Ông Speranza cho biết đã đề xuất cấm các bữa tiệc cá nhân, trong khi thành phố Rome sẽ giới hạn giờ hoạt động của các quán bar, nhà hàng để giảm nguy cơ lây nhiễm. Các biện pháp khác có thể liên quan đến những môn thể thao đòi hỏi tiếp xúc gần nhưng khó đeo khẩu trang.
Theo ông Speranza, gói biện pháp mới sẽ được thảo luận với chính quyền khu vực trong ngày 12/10, và sẽ nằm trong sắc lệnh mà Thủ tướng Giuseppe Conte có thể ký sớm nhất là vào tối cùng ngày.
Ngày 9/10 vừa qua, Italy ghi nhận 5.000 ca nhiễm mới trong một ngày, mức cao nhất kể từ tháng 3. Số ca nhiễm mới trong cuối tuần qua vẫn trên 5.000 ca/ngày. Số ca tử vong thấp hơn nhiều so với thời kỷ đỉnh dịch của Italy vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua.
* Cùng ngày, Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức Helge Braun nhận định Đức nên tiếp tục giới hạn số người được phép tụ tập, đồng thời kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động đi lại không cần thiết trong bối cảnh nước này đang phải nỗ lực khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trả lời phỏng vấn đài ARD, ông Braun cho rằng chính quyền nên siết chặt các biện pháp tại những nơi mà dịch bệnh có dấu hiệu lây lan nhanh. Theo ông, Đức mới đang ở giai đoạn đầu của làn sóng lây nhiễm thứ hai, và chỉ có quyết tâm của các chính trị gia và người dân mới quyết định được việc có tránh được xu hướng này hay không, hoặc dịch bệnh sẽ lây lan chậm hay nhanh.
Đức đã duy trì được số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở mức thấp so với nhiều nước láng giềng, song số ca nhiễm mới theo ngày đã tăng trên 4.000 ca kể từ ngày 8/10, mức cao nhất kể từ tháng 4.
Ngày 9/10 vừa qua, Thủ tướng Angela Merkel và Thị trưởng của 11 thành phố lớn nhất của Đức nhất trí sẽ thông qua các biện pháp nghiêm ngặt hơn nếu tỷ lệ lây nhiễm vượt mức 50 ca trên 100.000 dân trong một tuần. Hiện trên 20 thành phố đã có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn mức này, dẫn đến các biện pháp hạn chế đi lại nội địa.
Cuối tuần qua, Thủ hiến bang Bavaria, Markus Soeder đã đề xuất tăng mức phạt đối với những người không đeo khẩu trang tại các địa điểm quy định, như phương tiện giao thông công cộng, cửa hàng mua sắm, từ 50 lên 250 euro (khoảng 295 USD) và 500 euro (590 USD) đối với những người tái phạm.
Dự kiến, Thủ tướng Merkel sẽ có cuộc thảo luận sâu hơn với các Thủ hiến bang trong ngày 14/10.
* Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Slovakia Marek Krajci cho biết nước này sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn để khống chế dịch kể từ ngày 15/10, bao gồm việc bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng và hạn chế tập trung đông người.
Ông Marek Krajci cho biết Ủy ban xử lý khủng hoảng đã thông qua loạt biện pháp nhằm ngăn người dân tụ tập đông người. Tất cả các sự kiện công cộng sẽ bị cấm và chính phủ sẽ tranh luận trong ngày 12/10 về việc liệu có ban hành lệnh cấm tập trung quá 6 người hay không. Tất cả các nhà hàng chỉ được phép phục vụ ngoài trời hoặc bán đồ mang về. Tất cả các cơ sở thể thao, bể bơi sẽ phải đóng cửa. Các trung tâm mua sắm sẽ được yêu cầu bố trí ít nhất 15 m2 không gian cho mỗi khách hàng, trong khi các cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc phải dành thời gian nhất định phục vụ cho những người lớn tuổi.
Slovakia chứng kiến số ca nhiễm mới tăng mạnh trong những ngày gần đây. Bộ trưởng Krajci đánh giá nếu không áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn, số ca nhiễm mới tại nước này sẽ tăng rất nhanh như trường hợp của CH Séc.