Theo Trung tâm Giáo dục và Nghiên cứu Alma do Lực lượng Quốc phòng Israel điều hành (IDF), Iran có 3 cơ sở ngầm lớn trong khu vực này - bao gồm một căn cứ trên núi ở Konesht Canyon, chứa ít nhất 61 boong-ke tên lửa giấu kín.
Ngoài ra, hơn 80 boong-ke tên lửa khác được cho là nằm ở khu vực Panj Pelleh gần đó, với hệ thống phòng không tên lửa đất đối không cơ động 2K12 Kub và súng phòng không Zu-23, bảo vệ khu vực khỏi cuộc tấn công từ trên không.
Căn cứ này cũng lưu trữ tên lửa Fateh-110, tên lửa nhiên liệu rắn với đầu đạn nặng 500 kg và có tầm hoạt động 300 km. Tên lửa đạn đạo Qiam-1, có đầu đạn nặng 750 kg và tầm bắn lên tới 800 km, cũng được đặt tại đây.
Trung tâm nghiên cứu Alma cáo buộc rằng căn cứ Kermanshah đã được sử dụng trong cuộc tấn công tên lửa của IRGC hồi tháng 1/2020. Vụ tấn công nhằm vào 2 căn cứ của Mỹ ở Iraq, diễn ra sau vụ sát hại Tư lệnh lực lượng đặc biệt Quds Qasem Soleimani, khiến ít nhất 100 binh sĩ Mỹ bị chấn thương sọ não.
Iran sở hữu nhiều loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trong kho vũ khí. Gần đây, nước này đã tiết lộ tên lửa siêu vượt âm dẫn đường chính xác mới mang tên Fattah - “có khả năng xuyên thủng mọi lá chắn phòng thủ”.
Cộng hòa Hồi giáo Iran coi kho tên lửa của nước này là “lá chắn” đối phó với mối đe dọa của đối phương. Nước này cảnh báo sẽ không ngần ngại sử dụng những loại vũ khí này nhắm vào các cơ sở quân sự và hạt nhân của Israel, cũng như các căn cứ và đội tàu sân bay của Mỹ ở Vịnh Ba Tư, nếu Tel Aviv hoặc Washington thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Tehran.
Hơn một thập kỷ qua, Tel Aviv liên tục cáo buộc Iran theo đuổi vũ khí hạt nhân. Tehran đã bác bỏ tuyên bố này, nói rằng vũ khí hạt nhân và tất cả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác không phù hợp với đức tin Hồi giáo, đồng thời chỉ ra kho vũ khí hạt nhân đáng ngờ của Israel. Tel Aviv không xác nhận cũng không phủ nhận việc sở hữu những vũ khí này.
Video căn cứ tên lửa khổng lồ dưới lòng đất ở Kermanshah (Nguồn: Alma Israel):