Báo chí phương Tây dẫn lời một số quan chức giấu tên cho biết mới đây Mỹ và Iran đã tổ chức các cuộc đàm phán kín, bao gồm cả các cuộc trao đổi gián tiếp ở Oman, nhằm tìm kiếm giải pháp giảm leo thang căng thẳng trong khu vực vùng Vịnh, kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran, cũng như tìm kiếm sự tự do cho một số công dân Mỹ đang bị giam giữ tại Iran.
Mặc dù vậy, cả hai bên đều không công khai đề cập tới những nội dụng của các cuộc đàm phán, vốn được thúc đẩy sau nhiều nỗ lực thất bại để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với tên chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) mà Iran đã ký với một số cường quốc và được coi là văn kiện giúp kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này song đã bị cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lui cách đây 5 năm.
Giới phân tích cho rằng Iran và Mỹ đặt mục tiêu cho các cuộc đàm phán vừa qua là hướng tới một thỏa thuận ngắn hạn không chính thức thay vì chờ đợi sự hồi sinh của thỏa thuận năm 2015, vốn đã bị đình trệ nhiều lần. Cuộc đàm phán bí mật này cũng là động thái báo hiệu sự kết nối trở lại kênh ngoại giao giữa hai đối thủ lâu đời.
Hãng thông tấn Tasnim của Iran cho biết dường như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani cũng đã xác nhận về các cuộc đàm phán tại một cuộc họp báo hồi tuần trước khi nói rằng "các cuộc đàm phán Muscat không phải là bí mật", song ông cũng nhấn mạnh các bên liên quan không có ý định đàm phán một thỏa thuận tách biệt với JCPOA. Trong khi đó, chính phủ Mỹ đến nay vẫn phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ thỏa thuận đàm phán với Iran.
Ông Mahjoob Zweiri, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vùng Vịnh tại Đại học Qatar, nhận định rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden không muốn tỏ ra "nhượng bộ Iran, đặc biệt là trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới”.
“Họ cũng không muốn đồng minh Israel của mình tấn công các lực lượng ủy nhiệm của Iran vì điều đó có thể làm phức tạp tình hình khu vực", ông Zweiri khẳng định.
Trong khi đó, theo ông Cornelius Adebahr, một chuyên gia về Iran thuộc Trung tâm nghiên cứu Carnegie Europe, hiện tại "không có 'thỏa thuận' mới nào được đề cập tới, thậm chí ngay cả một thỏa thuận không chính thức".
“Thỏa thuận gần đây giữa Iran và Mỹ cho phép Iran nhận được các khoản thanh toán nợ từ Iraq là một bước đi tích cực đối với Iran trong khi đối với Mỹ, đó chỉ là sự đảo ngược xu hướng nguy hiểm là không giải quyết những tiến bộ hạt nhân của Tehran", Adebahr nhấn mạnh.
Iran vẫn giữ vững lập trường rằng chương trình hạt nhân của họ là vì mục đích hòa bình và chương trình tên lửa đạn đạo của họ không nên được đưa vào JCPOA nếu được khôi phục. Trong khi đó, Mỹ có thể muốn, ngoài việc áp đặt các giới hạn đối với các chương trình hạt nhân và vũ khí của Iran, đảm bảo việc trả tự do cho những người Mỹ bị giam giữ ở Iran, hạn chế vai trò của Iran trong cuộc xung đột Nga-Ukraine và cố gắng ổn định thị trường năng lượng và giá dầu.
Trong bối cảnh đó, ông Zweiri cho rằng một thỏa thuận ngắn hạn là "tốt cho cả hai bên" vì nó sẽ không giống như những nhượng bộ lớn, đồng thời sẽ xoa dịu tình hình. Một thỏa thuận mang tính tạm thời cũng sẽ không cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ, vốn chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến phản đối, đặc biệt là từ các nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa.
Về phía Iran, một thỏa thuận như vậy cũng có thể ngăn chặn căng thẳng xung quanh việc “bốc hơi” một thỏa thuận hạt nhân trong tương lai gần, đồng thời ngăn chặn việc phương Tây tìm cách kích hoạt cơ chế đảo ngược (snapback) của thỏa thuận được soạn thảo nhằm khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Tehran trong trường hợp nước này vi phạm cam kết.
Mặt khác, nếu đạt được một thỏa thuận nào đó cũng có thể giúp Washington và các đồng minh châu Âu kiềm chế không thúc đẩy bất kỳ nghị quyết trừng phạt nào khác tại hội đồng thống đốc của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chống lại Iran.
Iran cũng có thể hy vọng Mỹ sẽ giải phóng tài sản trị giá hàng USD của nước này bị phong tỏa bằng cách sử dụng biện pháp miễn trừ trừng phạt với điều khoản rằng chúng chỉ có thể được sử dụng cho mục đích nhân đạo. Việc Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran đã có mặt tại Doha vào đầu tuần này là chỉ dấu cho thấy Qatar có thể tham gia vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình này.
Nhật báo Kinh tế Hàn Quốc đưa tin hồi tháng 5 rằng Hàn Quốc đang thảo luận với Mỹ về những phương thức khả thi để thanh toán cho Iran số dầu thô trị giá 7 tỷ USD mà nước này đã mua. Khoản thanh toán gần đây của Iraq về hóa đơn khí đốt và điện trị giá 2,76 tỷ USD cho Iran diễn ra sau khi nhận được sự miễn trừ trừng phạt từ Mỹ.
Về phía Mỹ, dường như Washington tạm hài lòng với việc giữ mức làm giàu uranium của Iran ở mức hiện tại khi tờ New York Times đưa tin rằng Mỹ đang yêu cầu Iran không làm giàu uranium đến độ tinh khiết hơn 60% mà họ đang làm hiện nay. Iran đã tăng cường hoạt động hạt nhân kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA với lập luận rằng đó không phải là hành động vi phạm thỏa thuận.
Việc chuyển sang sử dụng uranium cấp độ vũ khí là một bước kỹ thuật ngắn nhưng tình báo phương Tây và IAEA cho biết họ không có bằng chứng nào cho thấy Tehran đã thực hiện một động thái theo hướng đó.
Ở một khía cạnh khác, tờ New York Times cho rằng Iran cũng có thể đồng ý không bắt giữ các tàu chở dầu nước ngoài nếu Mỹ làm điều tương tự. Trước đây, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) đã bắt giữ các tàu chở vì nhiều lý do bao gồm các báo cáo tai nạn và lệnh tư pháp, trong khi các phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin rằng đó là hành động đáp trả việc Mỹ bắt giữ một tàu chở dầu của Iran.
Cuối cùng, ba công dân người Mỹ gốc Iran cũng có thể được trả tự do nếu Mỹ đồng ý chấm dứt việc phong tỏa một phần tài sản kinh tế của Iran trong cuộc đàm phán bí mật mới đây.