Khi được hỏi về các cuộc đàm phán gián tiếp thông qua Oman, ông Blinken nói: "Đối với Iran, một số thông tin mà chúng tôi đã thấy về một thỏa thuận liên quan đến các vấn đề hạt nhân hoặc, về vấn đề đó, về những người bị giam giữ, hoàn toàn không chính xác và không đúng sự thật".
Hôm 12/6, Iran cho biết họ đang tiến hành đàm phán gián tiếp với Mỹ thông qua Oman, với các chủ đề chính là vấn đề hạt nhân, lệnh trừng phạt của Mỹ và những người bị giam giữ.
Hãng tin CNN của Mỹ cho biết Washington đã âm thầm nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp với Tehran từ nhiều tháng trước. Ông Brett McGurk, điều phối viên Nhà Trắng phụ trách vấn đề Trung Đông và Bắc Phi, đã được cử đến Oman để thảo luận gián tiếp với các đại diện của Chính phủ Iran.
Mặc dù đàm phán đã có một số dấu hiệu tiến triển, nhưng một nguồn tin cho biết các bên chưa chính thức đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Các bước tiến nổi bật trong đàm phán bao gồm việc Mỹ cho phép Iraq trả khoản nợ năng lượng 2,76 tỉ USD cho Iran. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, số tiền này sẽ được Iran sử dụng để mua các mặt hàng như thực phẩm và thuốc men. Washington cũng nỗ lực kêu gọi Tehran trả tự do cho 3 công dân Mỹ bị giam giữ ở Iran.
Thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc- Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga - cùng với Đức) vào tháng 7/2015. Theo đó, Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt kinh tế, khiến Iran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận. Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA đã bắt đầu vào tháng 4/2021 tại Vienna (Áo), song chưa ghi nhận bước đột phá đáng kể nào sau vòng đàm phán chính thức thứ 8 gần đây nhất vào đầu tháng 8 năm ngoái.