Phát biểu với báo giới, ông Borrell nêu rõ, trong vài tháng gần đây, đã có lúc các bên tham gia đàm phán đưa ra những đề xuất có nhiều điểm tương đồng, nhưng kể từ sau mùa Hè, những đề xuất mới nhất cho thấy sự khác biệt. Ông cho biết các bên có lúc gần đạt được nhất trí thì lại có những đề xuất mới. Cũng theo quan chức này, các cuộc đàm phán sẽ không có bất kỳ đột phá nào trong những ngày tới.
Tháng trước, ông Borrell đã đề xuất “văn bản cuối cùng” tới tất cả các bên đàm phán. Tuy nhiên, Iran bổ sung yêu cầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) kết thúc cuộc điều tra về dấu vết vật liệu hạt nhân tại 3 cơ sở của Tehran. Trong khi đó, Mỹ sẽ tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới, khiến việc đạt thỏa thuận với Iran càng khó khăn hơn. Mới đây, ông Borrell cho biết ông cảm thấy “kém lạc quan” về khả năng sớm cứu vãn thỏa thuận JCPOA.
Trong diễn biến liên quan cùng ngày 14/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi Iran tiến hành đối thoại nghiêm túc về vai trò của IAEA trong các cuộc đàm phán hạt nhân hiện nay. Ông Guterres cũng khẳng định tính độc lập của IAEA là “hiển nhiên và cần phải được duy trì”.
JCPOA được Iran và các nước ủy viên Hội đồng Bảo an LHQ (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga) cùng Đức ký kết vào tháng 7/2015, theo đó Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận năm 2018 và tái áp đặt trừng phạt kinh tế, khiến Iran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận. Vòng đàm phán mới nhất nhằm khôi phục JCPOA diễn ra tại Vienna (Áo) từ đầu tháng 8, sau 5 tháng đình trệ. Hôm 8/8, EU đưa ra “văn bản cuối cùng” của dự thảo thỏa thuận về việc khôi phục JCPOA. Tuy nhiên, những phản hồi mới của Iran và Mỹ khiến khả năng cứu vãn thỏa thuận hạt nhận này càng thêm khó khăn.