Theo kênh Al Jazeera ngày 23/9, các quan chức quân đội Israel đã cảnh báo người dân ở miền Nam Liban và một số khu vực ở Beirut rời khỏi làng và khu dân cư. Những cảnh báo này làm dấy lên lo ngại về một chiến dịch ném bom có thể bùng phát thành chiến tranh toàn diện và cũng gây lo lắng rằng Israel đã xâm nhập vào mạng viễn thông của Liban từ lâu.
Các vụ đánh bom bắt đầu diễn ra sau vài giờ gửi cảnh báo ngày 23/9. Trên 270 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công trên khắp miền Nam và Đông Liban. Vào cuối buổi tối, Israel tuyên bố rằng họ cũng đã ném bom một số khu vực ở Beirut.
Không quân Israel đã thực hiện thêm nhiều cuộc không kích vào các mục tiêu của Hezbollah tại Liban trong đêm 23/9. Trước đó, Israel xác nhận đã nhắm trúng hơn 1.300 mục tiêu của Hezbollah ở Liban trong vòng 24 giờ qua, khiến ít nhất 492 người thiệt mạng và ít nhất 1.645 người bị thương.
Khi lo ngại về chiến tranh leo thang, các chuyên gia cho rằng những cảnh báo này cũng cho thấy Israel vượt trội về công nghệ so với Liban. Đây cũng là kịch bản mà Israel đã sử dụng ở Gaza.
Cảnh báo qua điện thoại
Người dân ở các ngôi làng ở miền Nam Liban và một số khu phố ở Beirut đã nhận được tin nhắn và cuộc gọi từ một số điện thoại Liban vào sáng sớm 23/9, yêu cầu họ rời khỏi các khu vực mà Hezbollah đang chiếm giữ.
Một số người nhận được các cuộc gọi ghi âm vào điện thoại di động hoặc điện thoại cố định, trong khi một số khác nhận được tin nhắn văn bản. Các tin nhắn đều có nội dung giống nhau.
Một tin nhắn có nội dung: “Nếu bạn đang ở trong một tòa nhà có vũ khí của Hezbollah, hãy tránh xa ngôi làng cho đến khi có thông báo mới”.
Các bản tin phát thanh cũng đã bị xâm nhập để phát đi các thông điệp. Ông Daniel Hagari, phát ngôn viên quân đội Israel, cho biết trong một tuyên bố video đăng trên mạng X vào sáng sớm 23/9: “Chúng tôi yêu cầu người dân của các làng Liban chú ý đến thông điệp và cảnh báo do quân đội Israel đưa ra và làm theo”.
Rất nhiều người Liban đã rời đi sau cảnh báo từ Israel.
Video người dân Liban tháo chạy khỏi các thành phố miền Bắc (nguồn: X/Times of Israel):
Tại Beirut, ông Ziad Makary, Bộ trưởng Thông tin Liban, là một trong những người nhận được cuộc gọi ghi âm. Ông Ibrahim nói: “Điều chúng tôi không biết là Israel đã lấy được thông tin chi tiết của những người này như số điện thoại, vị trí... Là do rò rỉ dữ liệu hay do Israel đã xâm nhập vào hạ tầng viễn thông của Liban?”
Israel xâm nhập vào mạng viễn thông của Liban thế nào?
Tuần trước, ít nhất 37 người đã chết sau khi hàng nghìn chiếc máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên nhóm vũ trang Hezbollah của Liban phát nổ. Gần 3.000 người đã bị thương. Liban, Hezbollah và các đồng minh của nhóm này như Iran cáo buộc thủ phạm là Israel. Dù Israel không thừa nhận thực hiện, nhưng hầu hết các chuyên gia kết luận rằng Israel đứng sau những vụ nổ này.
Mặc dù các chuyên gia cho rằng Israel đã gài thuốc nổ vào các thiết bị đó nhiều tháng trước khi chúng phát nổ, nhưng khả năng gửi các cảnh báo nhắm đến các cá nhân trong những khu vực cụ thể của Liban cho thấy rằng Israel có thể truy cập vào thông tin thời gian thực về dân thường Liban, chứ không chỉ là thành viên Hezbollah.
Theo ông Elijah Magnier, một nhà phân tích rủi ro và xung đột, điều đó không gây ngạc nhiên. Ông Magnier nhận định với Al Jazeera rằng Israel đã xâm nhập vào các mạng viễn thông của Liban từ trước ngày 8/10/2023. Ông nói: “Họ có thể truy cập vào điện thoại cố định, số xe, điện thoại di động, đến mức họ có thể liên lạc với bất kỳ ai ở miền Nam Liban đúng như những gì họ làm ở Bờ Tây hoặc Gaza”.
Theo ông Magnier, công nghệ phần mềm gián điệp và thiết bị tinh vi giúp cơ quan tình báo Mossad của Israel có thể lập bản đồ chính xác ai sống ở đâu, họ có số điện thoại nào và ai thường đến nhà họ. Các gián điệp có thể thu thập hàng nghìn địa chỉ IP ở các thị trấn và thành phố chỉ bằng cách lái xe qua các con phố cùng các thiết bị. Khi tình báo Israel phát hiện thấy một số lượng điện thoại lớn hơn bình thường trong một khu vực cụ thể, họ có thể kết luận rằng có một sự kiện bất thường, ví dụ như một cuộc họp của Hezbollah, và triển khai tên lửa.
Israel đã từng đưa ra những cảnh báo như thế này trước đây chưa?
Trong cuộc chiến hiện tại, cho đến nay, Israel đã thả các tờ rơi để cảnh báo các cộng đồng biên giới Liban về một chiến dịch ném bom sắp diễn ra. Nhưng trước đây, Israel cũng từng bị cáo buộc xâm nhập vào các mạng viễn thông của Liban.
Năm 2018, bà Amal Mudallali, đại diện thường trực của Liban tại Liên hợp quốc, cáo buộc Israel đã xâm nhập vào mạng điện thoại di động và gửi tin nhắn ghi âm cho dân thường ở làng Kafr Kila, cảnh báo họ về các vụ nổ sắp xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Hezbollah và Israel vào năm đó.
Bà Mudallali viết trong một lá thư gửi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, yêu cầu lên án hành vi của Israel. Bà nói: “Đây là một cuộc tấn công mới và cực kỳ nghiêm trọng vào an ninh và an toàn của công dân Liban”.
Israel cũng có khả năng xâm nhập vào các thiết bị điện tử bằng phần mềm độc hại. Pegasus, một loại phần mềm độc hại như vậy, do công ty NSO Group của Israel phát triển và đã được nhiều quốc gia sử dụng.
Thu thập dữ liệu bất hợp pháp ở Liban có thể đã bắt đầu từ năm 2007, khi các mạng lưới gián điệp của Mossad chuyên xâm nhập các hệ thống liên lạc lần đầu tiên bị phát hiện ở Liban. Những tiết lộ đó xuất hiện sau cuộc chiến tháng 7/2006 giữa Liban và Israel. Kể từ đó, nhiều gián điệp mạng viễn thông hơn đã bị phát hiện.
Ông Ori Goldberg, một học giả Israel, viết trên tạp chí New Lines: “Israel có lợi thế tình báo hoàn toàn vượt trội so với các kẻ thù trong khu vực, ngay cả khi họ đã bỏ lỡ thông tin về cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023”.
Yếu kém trong bảo mật dữ liệu của Liban
Những yếu kém trong cấu trúc bảo mật dữ liệu của Liban cũng khiến Israel dễ dàng lợi dụng.
Đôi khi, chính các quan chức nhà nước Liban đã góp phần gây ra các vi phạm dữ liệu.
Theo trang web giám sát Privacy International, các đại sứ quán Liban đã để lộ thông tin cá nhân của hàng nghìn công dân Liban ở nước ngoài đã đăng ký bỏ phiếu trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội năm 2018.
Cùng năm đó, cơ quan tình báo an ninh Liban bị phát hiện đã thực hiện một số chiến dịch tấn công mạng từ năm 2012, đánh cắp hàng nghìn gigabyte dữ liệu từ người dùng các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp và Telegram.
Hiến pháp Liban không đảm bảo quyền riêng tư một cách rõ ràng và các luật bảo vệ dữ liệu điện tử lại yếu kém. Trong khi Đạo luật Viễn thông năm 1999 bảo vệ người dân khỏi bị giám sát và nghe lén (ngoại trừ trong các cuộc điều tra tội phạm), thì một chỉ thị năm 2013 cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet, quán cà phê và các cửa hàng internet khác phải lưu trữ dữ liệu người dùng trong ít nhất một năm.
Tháng này, báo chí ở Liban đã đưa tin về tình trạng gia tăng các nỗ lực tấn công WhatsApp, khi người dùng nhận được tin nhắn yêu cầu nhấp vào các mã và liên kết đáng ngờ rồi sau đó nhận được cảnh báo rằng tài khoản WhatsApp của họ đã được mở trên một thiết bị khác.