Ông Gallant đang có chuyến thăm binh sĩ ở khu vực Rafah và khẳng định Israel sẵn sàng thực hiện “thỏa hiệp” để đưa con tin về nước. Ông nhấn mạnh: “Nếu lựa chọn đó bị loại bỏ, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch… Điều này sẽ xảy ra trên khắp dải đất Gaza”.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel khẳng định chiến dịch sẽ tiếp tục cho đến khi nước này “loại bỏ” được lực lượng Hamas ở Rafah và phần còn lại của Gaza. Israel bắt đầu điều quân tới Rafah vào cuối ngày 6/5 và chiếm giữ cửa khẩu biên giới chiến lược của thành phố với Ai Cập sau khi từ chối đề xuất ngừng bắn đã được Hamas chấp thuận. Israel cho biết đề xuất này không giải quyết được các yêu cầu “cốt lõi” của họ song đồng ý tiếp tục đàm phán.
Dư luận thế giới tiếp tục đưa ra phản ứng sau khi quân đội Israel bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự tại Rafah. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/5 kêu gọi Israel khẩn trương rút khỏi vùng biên giới giữa Dải Gaza và Ai Cập, thuộc phía Đông thành phố Rafah, đồng thời cho rằng cuộc tấn công vào thành phố này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến khu vực mà còn cả thế giới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Onku Keceli nêu rõ: “Hiện trạng ở Rafah và tại cửa khẩu biên giới phải được khôi phục ngay lập tức”. Ông Keceli cho rằng sau khi Hamas đồng ý với đề xuất ngừng bắn ở Gaza, cuộc tấn công của Israel vào Rafah cho thấy chính phủ của Thủ tướng Netanyahu hành động không có “thiện chí”.
Chính phủ Mexico cùng ngày cũng phản đối chiến dịch quân sự của quân đội Israel tại thành phố Rafah, cho rằng hành động này sẽ gây hậu quả thảm khốc, cũng như đe dọa mạng sống của hàng nghìn dân thường địa phương.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mexico (SRE) khẳng định các cuộc tấn công nhằm vào dân thường là hành động vi phạm nghiêm trọng các quy tắc cơ bản của luật nhân đạo quốc tế, đồng thời khẩn thiết kêu gọi Israel và Hamas thực hiện việc ngừng bắn ngay lập tức để tránh thảm họa nhân đạo và tìm kiếm nền hòa bình trong khu vực.
Trong diễn biến khác, cảnh sát Đức ngày 7/5 đã giải tán một đám đông biểu tình ủng hộ Palestine tại sân của trường Đại học Freie Berlin - nơi đã kêu gọi dừng hoạt động quân sự của Israel ở Gaza.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, khoảng 100 sinh viên từ nhiều trường đại học đã tham gia lời kêu gọi của Liên minh sinh viên Berlin, dựng 20 lều trong khuôn viên trường, mang theo cờ Palestine và hô khẩu hiệu ủng hộ người Palestine, cũng như chỉ trích chính phủ Israel và Đức.
Nhóm sinh viên yêu cầu bãi bỏ cáo buộc hình sự đối với sinh viên và những người đã thể hiện tình đoàn kết với người Palestine trong khuôn viên trường, đồng thời yêu cầu các trường đại học công khai phản đối những cải cách được lên kế hoạch của Thượng viện, cho phép đuổi học sinh viên vì lý do chính trị. Họ cũng kêu gọi cấm cảnh sát vào khuôn viên trường và khôi phục vị trí cho các học giả và nhân viên của các trường đại học và viện nghiên cứu ở Đức, những người đã bị đuổi việc hoặc bị cắt tài trợ vì lập trường chính trị của họ.
Tương tự, cảnh sát Thụy Sĩ ngày 7/5 cũng đã giải tán những người biểu tình ủng hộ Palestine tại trường Đại học ETH Zurich của nước này.
Phóng viên TTXVN tại Geneva dẫn thông báo của trường ETH Zurich cho biết: “Chúng tôi coi trường ETH Zurich là nơi mà các ý kiến và quan điểm khác nhau có thể được nêu ra và được bày tỏ một cách cởi mở. Tuy nhiên, những hành động trái phép không được chấp nhận tại ETH Zurich. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu những người biểu tình rời khỏi tòa nhà trước khi cảnh sát đến”. Trước đó, các đoạn video trên mạng xã hội cho thấy người biểu tình ngồi với trang phục và cờ Palestine hô vang các khẩu hiệu trong nhiều khu vực ở trường ETH Zurich.
và Đại học bách khoa liên bang ở thành phố Lausanne. Còn tại trường Đại học Lausanne, hàng trăm sinh viên hô vang khẩu hiệu “Chúng tôi là trẻ em ở Dải Gaza” trong ngày 6/5. Một số giáo viên cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ sinh viên.