Nhiều nước đưa ra phản ứng sau khi quân đội Israel tuyên bố đã bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự nhằm vào thành phố Rafah và bước đầu giành quyền kiểm soát phía Palestine của cửa khẩu Rafah, giáp biên giới với Ai Cập ở phía Nam Gaza.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố chính phủ nước này đã thể hiện rõ quan điểm với Israel về cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn vào Rafah. Người phát ngôn trên khẳng định chính quyền Mỹ vẫn tin rằng thỏa thuận trao đổi con tin là điều tốt nhất và có lợi cho cả người dân Palestine và Israel, theo đó sẽ dẫn đến lệnh ngừng bắn ngay lập tức và cho phép tăng cường hoạt động viện trợ nhân đạo vào Gaza. Đây là phản ứng đầu tiên của chính quyền Washington kể từ khi các lực lượng Israel kiểm soát một phần cửa khẩu Rafah.
Hãng thông tấn chính thức WAFA cho biết chính quyền Palestine cũng kêu gọi Chính phủ Mỹ “lập tức can thiệp” nhằm ngăn Israel thực hiện chiến dịch quân sự tại thành phố Rafah, phía Nam Gaza.
Cùng ngày trên mạng xã hội X, Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Cevdet Yilmaz chỉ trích hoạt động của quân đội Israel tại Rafah và cho rằng chính quyền Israel sẽ phải chịu trách nhiệm về điều này.
Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm hối thúc Israel "ngừng tấn công Rafah" sau khi quân đội Israel xác nhận họ đã "kiểm soát hoạt động" tại cửa khẩu biên giới Rafah giữa Dải Gaza và Ai Cập.
Tại cuộc họp báo, ông Lâm Kiếm nhấn mạnh: "Trung Quốc mạnh mẽ kêu gọi Israel lưu tâm đến yêu cầu của cộng đồng quốc tế, ngừng tấn công Rafah và làm mọi thứ có thể để tránh một thảm họa nhân đạo nghiêm trọng hơn ở Dải Gaza". Theo ông Lâm Kiếm, Bắc Kinh “bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Israel lên kế hoạch triển khai chiến dịch quân sự trên bộ tại Rafah”. Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh bạo lực về cơ bản không thể giải quyết được vấn đề và không thể mang lại an ninh thực sự.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại dương, Ngoại trưởng New Zealand, ông Winston Peters, cho biết chính quyền nước này kêu gọi cả Israel và Hamas đồng ý ngừng bắn lập tức để tránh thảm họa nhân đạo nghiêm trọng hơn mà hành động quân sự của Israel ở Rafah có nguy cơ gây ra.
Ngoại trưởng Peters nhấn mạnh: “Không thể để nỗi đau khổ lớn ở Gaza trở nên tồi tệ hơn nữa. Cả hai bên đều có trách nhiệm chấm dứt xung đột. New Zealand kêu gọi các bên kiềm chế và cuộc tấn công quân sự vào Rafah là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Đồng thời, ông Peters bày tỏ hoan nghênh nỗ lực của các nước như Ai Cập, Qatar và Mỹ nhằm làm trung gian cho một thỏa thuận, trong đó bao gồm một lệnh ngừng bắn kéo dài và thả con tin”. Ông cho rằng: “Trách nhiệm của cả Israel và Hamas là đồng ý với các điều khoản cho phép chấm dứt ngay lập tức xung đột vũ trang, giải phóng con tin và tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu nhân đạo trước mắt của người dân ở Gaza”.
Ông Peters nói rằng New Zealand tiếp tục ủng hộ giải pháp chính trị lâu dài cho tình hình này, để người Israel và Palestine có thể chung sống an toàn và hòa bình. Ông khẳng định giải pháp như vậy chỉ có thể đạt được trên bàn đàm phán chứ không phải ở Rafah.
Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi ngày 6/5, quân đội Israel mở chiến dịch quân sự ở khu vực phía Đông Rafah, nơi đang có khoảng 1,5 triệu người Palestine buộc phải tháo chạy khỏi khu vực phía Bắc và Trung Dải Gaza.
Liên quan đến xung đột Hamas - Israel, gia đình các con tin bị Hamas bắt giữ tại Gaza cũng kêu gọi Mỹ và các chính phủ khác có công dân bị bắt giữ tại vùng lãnh thổ này gây sức ép đối với chính quyền Israel để để đạt được thỏa thuận với Hamas về vấn đề trao trả con tin.