Theo số liệu thống kê mới nhất của bộ trên, Iraq đã thu về khoản ngoại tệ kỷ lục là 11 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ trong tháng 3/2022, khi sản lượng khai thác của quốc gia Trung Đông này vượt 100 triệu thùng.
Ông Khalaf chia sẻ: “Iraq là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và đang có ý định sử dụng vai trò của mình để đáp ứng nhu cầu của thị trường toàn cầu, đặc biệt là các nước châu Âu”, đồng thời nhấn mạnh Baghdad đang nỗ lực củng cố vị thế và tìm cách thâm nhập vào những thị trường mới, trong bối cảnh nổ ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Nga cắt giảm hoạt động xuất khẩu nhiêu liệu.
Trước đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar hôm 16/4 cho biết Baghdad đang đối mặt với áp lực tăng sản lượng khai thác dầu mỏ cao hơn mức quy định của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Trao đổi với kênh truyền hình Al Hadath TV, Bộ trưởng Jabbar nói: “Chúng tôi chịu áp lực phải tăng sản lượng dầu mỏ ngoài (các cam kết trong khuôn khổ) OPEC”. Theo ông, OPEC “cam kết đảm bảo tất cả các nguồn cung để bù đắp cho bất kỳ sự thiếu hụt nào về dầu thô”.
Trong tháng 3/2022, Iraq đã khai thác 4,15 triệu thùng dầu thô/ngày, ít hơn 220.000 thùng/ngày so với hạn ngạch theo thỏa thuận với OPEC và các nước đối tác (OPEC+). Bộ Dầu mỏ Iraq cho biết nước này đã đạt mức doanh thu từ xuất khẩu dầu theo tháng cao nhất trong nửa thế kỷ qua, trong bối cảnh giá dầu thô tăng vọt do lo ngại thiếu hụt nguồn cung liên quan đến vấn đề Ukraine. Theo bộ trên, Iraq, nước sản xuất dầu lớn thứ hai trong OPEC, đã xuất khẩu 100.563.999 thùng dầu và thu về 11,07 tỷ USD trong tháng 3/2022, mức doanh thu cao nhất kể từ năm 1972.
Nguồn thu từ dầu mỏ có ý nghĩa quan trọng đối với Chính phủ Iraq, trong bối cảnh nước này đang chìm trong cuộc khủng hoảng tài chính và cần vốn để xây dựng lại cơ sở hạ tầng sau nhiều thập kỷ chiến tranh tàn khốc.