Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Zarif nêu rõ: "Iran sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác nhằm thiết lập môi trường mới. trong đó các quốc gia có lòng tự trọng có thể theo đuổi lợi ích và các nghĩa vụ quốc tế của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực chống lại các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp của Mỹ và loại bỏ hoàn toàn những yếu tố gây bất ổn trong luật đặc quyền ngoại giao của Mỹ".
Ngoại trưởng Zarif cũng nhấn mạnh rằng Washington đang cố ý gây bất ổn hệ thống quốc tế. Ông viết: "Thật đáng tiếc khi phải thấy một chính quyền Mỹ với chính sách đơn phương tiêu cực lạm dụng một diễn đàn đa phương để tấn công cơ chế đa phương".
Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 26/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Iran và kêu gọi thế giới cô lập chính quyền Tehran.
Hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được ký giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) năm 2015.
Đến tháng 8, Washington tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, theo đó yêu cầu các nước ngừng mua dầu của Tehran kể từ ngày 4/11 tới, nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả tài chính.
Tuy nhiên, các bên còn lại trong Nhóm P5+1 cùng với Iran đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận. Mới đây nhất, ngày 24/9, các bên còn lại tham gia thỏa thuận JCPOA đã nhất trí tiếp tục nỗ lực thành lập một cơ chế đặc biệt để duy trì thương mại với Iran, trong đó có lĩnh vực dầu mỏ, nhằm tránh các trừng phạt của Mỹ.
Trong một tuyên bố, EU cùng với Nga, Trung Quốc và Iran nhấn mạnh quyết tâm "bảo vệ quyền tự do của các công ty của mình trong việc theo đuổi hoạt động kinh doanh hợp pháp với Iran".