Theo Bộ Y tế Iran, trong một ngày qua, nước này đã ghi nhận thêm 6.968 ca mắc COVID-19 và 346 người tử vong. Đây là ngày có số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất tại quốc gia Trung Đông này trong một tuần trở lại đây.
Tính đến nay, Iran ghi nhận tổng cộng 581.824 ca mắc COVID-19, trong đó có 33.299 trường hợp không qua khỏi.
Cùng ngày, Indonesia thông báo có thêm 3.520 người mắc COVID-19 và 101 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này lên lần lượt là 396.454 và 13.512.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt", Indonesia đã quyết định gia hạn các hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) tại nhiều thành phố.
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, Thống đốc tỉnh Tây Java, ông Ridwan Kamil, đã quyết định gia hạn PSBB tại các thành phố Đại Bogor, Depok và Đại Bekasi (Bodebek) - 3 trong 5 thành phố thuộc khu vực Đại đô thị Jakarta (Jabodetabek). Lệnh này có hiệu lực trong vòng một tháng - đến ngày 25/11 tới.
Quyết định nói trên được đưa ra sau khi Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19 của tỉnh Tây Java khuyến cáo về tình trạng lây nhiễm dịch bệnh tại địa phương này. Trong sắc lệnh, Thống đốc Ridwan đã yêu cầu những người đang sinh sống hoặc có các hoạt động tại 3 thành phố trên tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.
Trong số 5 khu vực của Bodebek, thành phố Depok là địa phương có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất với 6.858 người. Depok hiện cũng có tên trong các “khu vực đỏ” sau khi Lực lượng Đặc nhiệm quốc gia chống COVID-19 đánh giá đây là địa phương có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao. Vì vậy, chính quyền Depok sẽ tiếp tục áp đặt lệnh giới nghiêm, theo đó, người dân địa phương không được phép ra khỏi nhà sau 21h00, trong khi các doanh nghiệp được phép mở cửa đến 20h00, các nhà hàng và quán ăn chỉ được phép mở cửa phục vụ khách tại chỗ đến 18h00 và bán mang đi đến 21h00.
Trước đó, hôm 25/10, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cũng quyết định gia hạn PSBB tại khu vực thủ đô đến ngày 8/11 tới, đồng thời cảnh báo có thể áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn nếu tốc độ lây nhiễm COVID-19 lên mức đáng báo động. Trong hai tuần qua, tỷ lệ sử dụng giường cách ly tại khu vực này giảm từ mức 64% trong ngày 12/10 xuống còn 59% vào ngày 24/10. Đối với giường chăm sóc đặc biệt (ICU), tỷ lệ giường trống đã tăng lên từ 32% lên 38%.
Cũng trong 24 giờ qua, Myanmar đã ghi nhận thêm 1.426 ca mắc COVID-19 và 27 trường hợp tử vong, đưa tổng số người bệnh nhân và những người không qua khỏi tại nước này lên lần lượt là 46.200 và 1.122. Theo giới chức Myanmar, có tới 90% số ca tử vong do mắc COVID-19 ở nước này là người cao tuổi và những người mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch.
Trước tình hình trên, Bộ Giao thông và vận tải Myanmar đã quyết định gia hạn việc ngừng các dịch vụ bay thương mại quốc tế cho đến cuối tháng 11 tới. Sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 vào ngày 23/3, Chính phủ Myanmar đã ngừng hoạt động các dịch vụ bay thương mại quốc tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Tại Malaysia, số ca nhiễm mới cũng tăng thêm 835 trường hợp. Hiện quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 28.640 ca mắc COVID-19, trong đó có 238 người tử vong.