Hãng thông tấn IRNA dẫn lời Người phát ngôn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi ngày 15/7 nêu rõ Tehran có thể ngừng hoàn toàn việc thực thi các điều khoản trong Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đồng thời quay trở lại tình trạng trước khi ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử này với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cộng với Đức) hồi năm 2015.
Ông Kamalvandi nhấn mạnh: “Nếu người châu Âu và Mỹ không muốn thực thi nghĩa vụ của họ… chúng tôi sẽ giảm cam kết và quay ngược lại tình hình 4 năm trước”.
Động thái đáng quan ngại này diễn ra sau khi trước đó cùng ngày Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo này vẫn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân JCPOA.
JCPOA hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc và các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ và EU. Iran cam kết trong vòng 15 năm không làm giàu urani vượt mức 3,67% và duy trì mức urani làm giàu ở mức không vượt quá 300 kg, cũng như không xây dựng thêm các lò phản ứng nước nặng, không tích lũy nước nặng và không phát triển thiết bị nổ hạt nhân.
Vấn đề hạt nhân Iran trở nên căng thẳng đột ngột sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi JCPOA ngày 8/5/2018 và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran trong lĩnh vực xuất khẩu dầu. Sau đó đúng 1 năm, ngày 8/5/2019, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Tehran tạm dừng một phần cam kết về thỏa thuận hạt nhân và cho các bên tham gia thỏa thuận 2 tháng để quay trở lại thực hiện thỏa thuận.
Ngày 8/7, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố các cường quốc thế giới sẽ không thể đàm phán để có được một thỏa thuận nào tốt hơn thỏa thuận hạt nhân năm 2015, đồng thời gia tăng sức ép yêu cầu các thành viên còn lại (Nhóm P4+1) tiếp tục tuân thủ thỏa thuận.
Ngày 15/7, Iran đã hối thúc các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đưa ra những quyết định "thiết thực, hiệu quả và có trách nhiệm" nhằm cứu vãn thỏa thuận mang tính bước ngoặt này. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Iran cho rằng những hành động liên tục dựa trên sự thiện chí và tự nguyện của Tehran xuất phát từ nguyên tắc có đi có lại về những quyền và nghĩa vụ trong thỏa thuận hạt nhân.
Tuyên bố đồng thời nhấn mạnh sẽ là "không thực tế" nếu kỳ vọng về việc Iran tuân thủ trở lại các điều kiện trước ngày 8/5/2019 mà không có bằng chứng về ý chí chính trị và khả năng hiện thực của các nước châu Âu tham gia thỏa thuận nhằm đảm bảo giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Javad Zarif nói rằng các nước châu Âu dường như chưa sẵn sàng nỗ lực để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Phát biểu với báo giới trên đường tới New York (Mỹ) tham dự cuộc họp cấp cao của LHQ, Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh các tuyên bố và phát ngôn là "hoàn toàn khác" với việc sẵn sàng thực hiện nỗ lực cần thiết để cứu vãn thỏa thuận và châu Âu chưa thực hiện những nỗ lực này.
Về phần mình, EU tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức để giúp Iran có thể hưởng lợi từ thỏa thuận. Hồi tháng 1, EU cho biết sẽ thành lập một kênh thương mại đặc biệt với Iran (INSTEX) nhằm duy trì hoạt động thương mại với Iran. Tuy nhiên, Iran cho rằng bước đi của EU là chưa đủ vì cơ chế này vẫn chưa được triển khai. Kể từ tháng 5 vừa qua, Tehran tuyên bố sẽ "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong JCPOA, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani. Đây cũng chính là thời hạn mà Iran yêu cầu các nước còn lại tham gia thỏa thuận gồm Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp và Đức phải thực hiện cam kết liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng để phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ và thúc đẩy thương mại.