Số liệu thống kê mới nhất cho thấy Indonesia ghi nhận số ca mắc mới và số ca tử vong trong ngày tăng cao chưa từng thấy với 5.828 ca mắc và 169 ca tử vong trong ngày 27/11.
Như vậy, cho đến nay, Indonesia đã phát hiện tổng cộng 522.581 ca mắc và 16.521 ca tử vong. Hiện nước này có số ca mắc và tử vong cao nhất tại Đông Nam Á.
* Bộ Y tế Philippines công bố thêm 1.631 ca mắc mới cùng ngày, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 425.918 ca. Số ca tử vong tại Philippines tăng thêm 46 ca lên 8.255 ca. Trong khi đó, đã có thêm 370 bệnh nhân được chữa khỏi bệnh, nâng tổng số ca bình phục tại nước này lên 387.616 người.
Cũng trong ngày 27/11, giới chức Philippines đã ký thỏa thuận với hãng dược phẩm liên doanh Anh - Thụy Điển AstraZeneca để mua 2,6 triệu liều vaccine do hãng này bào chế. Đây là lần đầu tiên Philippines ký thỏa thuận mua vaccine ngừa COVID-19.
Một quan chức Chính phủ Philippines biết hơn 1 triệu người dân nước này sẽ sớm được tiêm vaccine. Theo ông, nguồn cung vacine sẽ do khu vực tư nhân chi trả và khả năng sẽ có mặt tại thị trường Philippines trong tháng 5 hoặc 6 tới.
Hãng AstraZeneca yêu cầu mỗi người phải tiêm đủ hai liều vaccine mới có hiệu quả phòng bệnh COVID-19. Do đó, giới chức Philippines cho biết đang đàm phán với AstraZeneca để mua thêm 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.
* Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin thông báo nước này đã ký thỏa thuận mua 12,8 triệu liều vaccine COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ). Dự kiến, lô vaccine đầu tiên gồm 1 triệu liều sẽ có mặt tại Malaysia trong quý đầu năm 2021.
* Liên quan đến vaccine phòng bệnh COVID-19 do Đại học Oxford và công ty dược phẩm AstraZeneca phối hợp phát triển, Bộ trưởng Nhà ở Anh Robert Jenrick cùng ngày trấn an người dân không nên hoang mang trước thông tin hoài nghi về tính hiệu quả của vaccine này.
Phát biểu trên kênh Sky news, Bộ trưởng Jenrick nêu rõ: "Tôi nghĩ không có bất kỳ lý do gì để phải lo lắng quá mức như vậy". Ông cũng cho rằng cơ quan dịch tễ độc lập sẽ làm việc để đánh giá về tính xác thực và an toàn của vaccine.
Trước đó, Anh đã yêu cầu Cơ quan Quản lý dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) thẩm định về vaccine ngừa COVID-19 của công ty AstraZeneca trước khi đưa ra quyết định về cấp phép lưu hành sản phẩm này. Đây là loại vaccine vừa kết thúc giai đoạn thử nghiệm sau cùng và được đánh giá đạt hiệu quả ngăn ngừa COVID-19 lên tới 90%.