Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, BMKG cảnh báo hai khu vực trên đã không có động đất lớn trong hàng trăm năm qua, vì vậy động đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào với cường độ có thể lên tới 8,7-8,9. Bộ Xã hội Indonesia đã triển khai một nhóm công tác để lập bản đồ các khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng của thảm họa động đất và sóng thần trên đảo Mentawai, Tây Sumatra. Nhóm công tác bao gồm các nhân viên từ Đội Phòng ngừa Thảm họa của bộ và một nhóm từ BMKG, chịu trách nhiệm nâng cao nhận thức của người dân địa phương về các kỹ thuật tự cứu hộ khẩn cấp để ứng phó với tác động của động đất và sóng thần.
Indonesia cũng chuẩn bị các khu vực sơ tán trên cơ sở các mô hình đề xuất từ BMKG. Nhóm công tác sẽ thiết lập các trạm sơ tán tại hầu hết các ngôi làng để rút ngắn các tuyến đường phân phối viện trợ, đẩy nhanh nỗ lực hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp.
Trước đó, vào tháng 5, các nhà nghiên cứu của tổ chức OceanX, cùng với Bộ Điều phối Hàng hải và Đầu tư; Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia (BRIN) của Indonesia đã thực hiện “Sứ mệnh Indonesia 2024”. Đây là một phần trong cam kết dài hạn nhằm khám phá vùng biển Đông Nam Á và tăng cường hiểu biết toàn cầu về một trong những vùng biển có tính đa dạng sinh học và có khả năng bị đe dọa nhất trên thế giới. Các nhà nghiên cứu đã lập bản đồ các điểm có nguy cơ cao xảy ra động đất để chuẩn bị ứng phó nhằm giảm thiểu thảm họa ở Indonesia.