Ông Joko Widodo cho rằng điều quan trọng của thế giới hiện nay là việc đảm bảo các nỗ lực tiêm chủng toàn cầu và các nền kinh tế thành viên APEC có thể góp phần thu hẹp khoảng cách tiêm chủng toàn cầu, bao gồm việc chia sẻ số lượng vaccine thông qua Cơ chế COVAX. Theo người đứng đầu quốc gia Đông Nam Á này, hiện nay khoảng cách tiêm chủng trên thế giới vẫn còn khá rộng. Cụ thể, số liệu tiêm các liều vaccine ở khu vực ASEAN chỉ đạt 17,63% dân số, khu vực châu Phi chỉ là 4,3% dân số. Trong khi đó, ở Bắc Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm 77,73% và 76,81% dân số. Những cân nhắc về dịch tễ học luôn phải là cơ sở chính chứ không phải những cân nhắc về ảnh hưởng chính trị, kể cả trong vấn đề vaccine.
Tổng thống Joko Widodo cũng đề nghị APEC cần khuyến khích tăng cường sản xuất vaccine toàn cầu. Ông nhấn mạnh "Có một số chiến lược phải được thực hiện, đó là đa dạng hóa sản xuất vaccine cho các nước đang phát triển, xóa bỏ các rào cản thương mại liên quan đến nguyên liệu vaccine, sau đó hỗ trợ miễn trừ vận chuyển để vượt qua đại dịch và chuyển giao công nghệ vaccine mới nhất". Bên cạnh đó, việc phục hồi kinh tế là không thể nếu đại dịch chưa kết thúc.
Hiện hơn 55 triệu liều vaccine đã được tiêm ở Indonesia và việc tiêm chủng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Cho đến nay, Indonesia đã nhận được gần 143 triệu liều vaccine, bao gồm dưới dạng thành phẩm và bán thành phẩm.