Indonesia đánh giá kết quả triển khai giãn cách xã hội quy mô lớn thời gian qua

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 12/5, tại cuộc họp nội các trực tuyến, Tổng thống Joko Widodo đã đánh giá kết quả triển khai chính sách giãn cách xã hội quy mô lớn (PSBB) để phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thời gian qua. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 1/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Tổng thống Joko Widodo, 4 tỉnh và 72 khu vực, thành phố của Indonesia đã triển khai PSBB. Một số tỉnh, thành phố, huyện chưa triển khai PSBB song áp dụng các phương pháp khác đã thành công.

Theo số liệu mới nhất đã có những thay đổi theo từng khu vực. Điều này cho thấy các biện pháp triển khai thời gian qua đã có hiệu quả. Có những tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mới mắc COVID-19 giảm dần nhưng không giảm mạnh, nhưng cũng có những khu vực vẫn còn biến động. Trong số 10 tỉnh có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất, chỉ có 3 tỉnh thực hiện PSBB là thủ đô Jakarta, Tây Java và Tây Sumatra. Bảy tỉnh khác vẫn chưa áp dụng PSBB song đã thực hiện các chính sách giãn cách xã hội, áp dụng các quy trình y tế nghiêm ngặt trong cuộc sống hàng ngày của người dân. 

Dựa trên dữ liệu của Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19, 70% mắc COVID-19 là ở Java, nơi cũng ghi nhận số ca tử vong cao nhất, chiếm 82% trong tổng số các ca tử vong do COVID-19 ở nước này. Tổng thống Indonesia đã yêu cầu Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 tại 5 tỉnh của đảo Java phải hoạt động hiệu quả hơn, đặc biệt là trong 2 tuần tới vẫn trong tháng lễ Hồi giáo Ramadan là cơ hội để Indonesia để tận dụng tốt trong phòng chống dịch COVID-19. 

Về việc nới lỏng PSBB, Tổng thống Joko Widodo cho rằng cần thực hiện việc nới lỏng một cách cẩn thận và không vội vàng.  Mọi việc đều dựa trên số liệu các ca mắc mới, và công tác triển khai tại hiện trường để đưa ra quyết định chính xác.

Cùng ngày, Hiệp hội giới chủ Indonesia, Apindo, cho biết do tác động từ các hạn chế xã hội quy mô lớn, hầu hết các doanh nghiệp nước này chỉ đủ tiền mặt để tiếp tục hoạt động cho đến cuối tháng 6 tới, trong khi các công ty lớn có thanh khoản tốt có thể tồn tại thêm 3-4 tháng nữa.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Apindo, ông Sutrisno Iwantono, chính phủ cần áp đặt các biện pháp phong tỏa chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn COVID-19 lan rộng, từ đó cho phép dỡ bỏ PSBB sớm hơn.

Tuần trước, Tổng thống Joko Widodo cho biết đại dịch có thể chấm dứt trong tháng này. Tuy nhiên, ông Sutrisno cho rằng đại dịch sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa vì Indonesia vẫn chưa thực hiện đủ các xét nghiệm và điều này sẽ làm phức tạp các nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. 

Tăng trưởng kinh tế của Indonesia chỉ đạt 2,97% trong quý I/2020, mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ qua. Tiêu dùng hộ gia đình – vốn chiếm hơn một nửa nền kinh tế - chỉ tăng 2,8%, so với mức 4,97% trong quý IV/2019. Ngân hàng trung ương Indonesia cho biết nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này có thể bị đình trệ trong quý II trước khi hồi phục trong quý III và quý IV/2020.

Thủ đô Jakarta - nơi diễn ra 17% hoạt động kinh tế của Indonesia - đã kéo dài PSBB lần thứ hai tới ngày 22/5. Nhiều khu vực khác của Indonesia, trong đó có các trung tâm sản xuất lớn, cũng áp đặt PSBB.

Ông Sutrisno bày tỏ hy vọng rằng chính phủ sẽ xem xét phân chia các khu vực sau khi giai đoạn PSBB hiện nay kết thúc nhằm cho phép một số doanh nghiệp mở cửa trở lại. Theo đó, việc mở của các doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào từng địa điểm: Các doanh nghiệp trong "vùng xanh" có thể mở cửa lại ngay lập tức, trong khi các cơ sở trong "vùng đỏ" sẽ phải chờ đợi.

Đình Ánh - Hữu Chiến (TTXVN)
Indonesia xác định các trọng tâm xử lý đại dịch COVID-19
Indonesia xác định các trọng tâm xử lý đại dịch COVID-19

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nhấn mạnh ba trọng tâm nhằm xử lý đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm xét nghiệm, tiếp nhận lao động ở nước ngoài về nước và đẩy nhanh sản xuất các thiết bị y tế và thuốc chống COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN