Indonesia xác định các trọng tâm xử lý đại dịch COVID-19

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nhấn mạnh ba trọng tâm nhằm xử lý đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm xét nghiệm, tiếp nhận lao động ở nước ngoài về nước và đẩy nhanh sản xuất các thiết bị y tế và thuốc chống COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế làm việc tại một trạm xét nghiệm COVID-19 lưu động ở Tangerang, Indonesia, ngày 8/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu khai mạc phiên họp nội các ngày 11/5, Tổng thống Widodo đã yêu cầu đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) khi các phòng xét nghiệm trên khắp cả nước hiện chỉ có khả năng xử lý 4.000 - 5.000 mẫu bệnh phẩm mỗi ngày, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 10.000 mẫu.

Tổng thống Widodo yêu cầu Lực lượng Chuyên trách chống COVID-19 tối ưu hóa hệ thống xét nghiệm khi hiện chỉ có 53 trong tổng số 104 cơ sở được cấp phép trên cả nước tham gia xét nghiệm PCR, đồng thời đẩy nhanh đào tạo nhân lực, giải quyết tình trạng khan hiếm trang thiết bị vật tư xét nghiệm ngay trong tuần này. 

Nhà lãnh đạo Indonesia cũng yêu cầu các bộ/ngành và các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng và huy động các nguồn lực để đón 34.000 lao động ở nước ngoài chuẩn bị về nước trong tháng này và tháng sau, trong đó có việc thực hiện các quy trình y tế nghiêm ngặt và đảm bảo các cơ sở cách ly, chữa trị.

Theo Tổng thống Widodo, số lao động về nước nói trên sẽ được phép nhập cảnh qua hai cảng hàng không quốc tế Soekarno Hatta ở tỉnh Banten và Ngurah Rai ở tỉnh Bali, cũng như thông qua hai cảng biển Benoa tại tỉnh Bali và Tanjung Priok tại thủ đô Jakarta.

Cuối cùng, Tổng thống Widodo cho hay các đơn vị thuộc Bộ Nghiên cứu và công nghệ, Bộ Giáo dục và văn hóa đã phát triển thành công và có thể bắt đầu sản xuất hàng loạt các bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR, máy thở và phòng xét nghiệm di động đạt chuẩn an toàn sinh học cấp độ II (BSL-2), đồng thời hy vọng rằng vào cuối tháng này hoặc đầu tháng sau tới nhằm giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu.

Theo người đứng đầu nhà nước Indonesia, quốc gia này đã đạt được các tiến bộ quan trọng trong xét nghiệm huyết thanh và giải mã trình tự gene - giai đoạn quan trọng nhằm phát triển vaccine phòng bệnh. Dự kiến, một số bệnh viện của quốc gia này sẽ tiến hành xét nghiệm huyết thanh quy mô lớn và dùng tế bào gốc để thay thế các mô phổi bị tổn thương do COVID-19.

Trong khi đó, Hạ viện Indonesia yêu cầu các trường học đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường vào tháng 7/2020

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 11/5, Phó Chủ tịch Ủy ban Hạ viện Hetifah Sjaifudian cho biết chính phủ phải đảm bảo rằng trường học và môi trường xung quanh phải được an toàn phòng chống dịch COVID-19 nếu trường học mở cửa trở lại vào giữa tháng Bảy tới. Các trường phải xây dựng một kế hoạch rất cẩn thận từ việc vệ sinh trường lớp đến áp dụng các quy định về y tế tại chỗ.

Hiện nay các thành viên của Hạ viện và chính phủ đã cân nhắc về một kế hoạch cho học sinh trở lại trường vào giữa tháng Bảy ở những tỉnh, thành phố được Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19 và giám sát của Văn phòng Giáo dục và văn phòng y tế địa phươngtuyên bố là an toàn. 

Ông Hetifah Sjaifudian cũng nhắc nhở Bộ Giáo dục và văn hóa thận trọng trong việc thực hiện chính sách này. Hiện tại tất cả các tỉnh ở Indonesia đều ghi nhận các trường hợp nhiễm COVID-19.

Hữu Chiến - Đình Ánh (TTXVN)
Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết ngày 10/5: Toàn khối có trên 58.600 người mắc bệnh, chỉ Indonesia và Philippines phát sinh ca tử vong
Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết ngày 10/5: Toàn khối có trên 58.600 người mắc bệnh, chỉ Indonesia và Philippines phát sinh ca tử vong

Hết ngày 10/5, Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 58.600 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và trên 1.880 người tử vong. Trong 24 giờ qua, chỉ có 2 nước Indonesia và Philippines ghi nhận ca tử vong vì bệnh dịch; Singapore có trên 870 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2, song không ghi nhận ca tử vong nào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN