Indonesia, Colombia, Venezuela và Zambia lên kế hoạch tiêm đại trà vaccine ngừa COVID-19 

Chính phủ các nước Indonesia, Colombia, Venezuela và Zambia vừa công bố các kế hoạch tiêm chủng đại trà vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong năm 2021. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của Sinovac cho tình nguyện viên. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 5/1, Indonesia thông báo sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà trên toàn quốc vào ngày 13/1 tới. Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết chiến dịch sẽ khởi động tại thủ đô Jakarta và Tổng thống Joko Widodo sẽ tiêm mũi đầu tiên. Việc tiêm chủng ở các khu vực khác sẽ bắt đầu sau đó 2 ngày. Theo Chính phủ Indonesia, 1,3 triệu nhân viên y tế tuyến đầu chống COVID-19 sẽ trở thành những người đầu tiên được tiêm vaccine do tập đoàn Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất.

Chính phủ Colombia mới đây thông báo các cơ quan y tế nước này có kế hoạch tiêm đại trà vaccine ngừa COVID-19 với dự kiến mỗi ngày sẽ có khoảng 120.000 người được tiêm chủng kể từ tháng 2 tới. 

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, nhà chức trách Colombia cũng cho hay đến nay chính phủ nước này đã đạt được các thỏa thuận mua đủ vaccine ngừa COVID-19 cho 29 triệu dân, trong tổng số 34 triệu người được đưa vào chương trình tiêm chủng. Theo kế hoạch, các nhân viên y tế, những người già trên 80 tuổi và người có bệnh mãn tính sẽ là những đối tượng được tiêm vaccine đầu tiên, tiếp theo là nhóm người từ 60 - 79 tuổi và các nhân viên y tế khác; thứ ba là nhóm công dân ở độ tuổi từ 16 đến 59 tuổi gồm giáo viên, lực lượng vũ trang và cảnh sát; nhóm thứ tư sẽ bao gồm nhóm dân số trong các ngành nghề và tình huống rủi ro khác nhau và nhóm cuối cùng là các đối tượng không mắc bệnh đi kèm.

Theo Bộ Y tế Colombia, đợt tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên có mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc các ca bệnh nặng, cũng như bảo vệ các nhân viên ngành y tế. Bộ trên cũng nêu rõ đây là một kế hoạch đầy tham vọng và sẽ là quá trình phức tạp do những thách thức về hậu cần, trong đó có khâu vận chuyển vaccine đến các vùng. Tuy nhiên, cơ quan y tế nước Nam Mỹ này khẳng định mục tiêu nỗ lực để hầu hết người dân Colombia được tiêm chủng trong năm 2021. 

Cùng ngày 4/1, Bộ trưởng Y tế Venezuela Caralos Alvarado thông báo trong quý đầu năm nay, nước này sẽ tiếp nhận 10 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V do Nga sản xuất.

Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước, quan chức y tế Venezuela cũng cho hay quốc gia Nam Mỹ này có kế hoạch mua tổng cộng 25 triệu liều vaccine Sputnik V trong năm 2021 để tiêm phòng đại trà cho người dân, bao gồm cả những người đã từng mắc bệnh. 

Hiện vaccine Sputnik V đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng được thực hiện tại Venezuela với sự tham gia của hơn 2.000 tình nguyện viên. Dự kiến, chính phủ Venezuela sẽ bắt đầu tiêm vaccine đại trà cho người dân vào tháng 4/2021 sau khi giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng kết thúc.

Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đặt mục tiêu đa số người dân Canada sẽ được tiêm vaccine phòng COVID-19 vào tháng 9/2021. Nhưng với tốc độ phân phối vaccine hiện nay, các chuyên gia cảnh báo các tỉnh của Canada có thể không đạt được mục tiêu này.

Theo phóng viên TTXVN tại Canada, Giáo sư Kerry Bowman thuộc Đại học Toronto nhận định Canada chậm hơn một số nước khác như Israel, Mỹ và Vương quốc Anh trong việc phân phối vaccine. Theo số liệu của Our World In Data (một tổ chức có trụ sở tại Đại học Oxford), tỷ lệ tiêm chủng trên 100 người ở Canada là 0,3 tính đến ngày 2/1/2021. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Mỹ là 1,28, ở Vương quốc Anh là 1,39 (tính đến ngày 27/12/2020) và ở Israel là 12,59 - cao nhất thế giới. Hiện chưa rõ lý do Canada triển khai tiêm vaccine chậm hơn.    

Đến nay, Canada đã phê duyệt hai loại vaccine - của Pfizer/BioNTech (ngày 9/12/2020) và Moderna (ngày 23/12/2020). Cả hai loại vaccine này đều yêu cầu tiêm hai mũi cách nhau vài tuần để có hiệu quả đầy đủ. 

Theo COVID-19 Tracker Canada, tính đến ngày 3/1, Canada đã cung cấp 119.202 liều vaccine phòng COVID-19 trên quy mô toàn quốc. Điều đó có nghĩa là 0,317% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Tại Ontario, tỉnh lớn nhất của Canada, 42.419 người đã được chủng ngừa kể từ ngày 14/12/2020. 

Cũng trong ngày 4/1, Chính phủ Zambia thông báo nước này sẽ bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân vào tháng 2 tới.

Tại cuộc họp báo về đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Y tế Chitalu Chilufya cho biết yêu cầu của Chính phủ Zambia đã được đại diện của  COVAX - sáng kiến toàn cầu đảm bảo sự tiếp cận công bằng cho tất cả các quốc gia đối với vaccine phòng COVID-19 - chấp thuận. Theo ông Chitalu Chilufya, việc đưa vaccine vào Zambia sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế đã được chấp nhận, trong đó quy định bất kỳ loại vaccine nào cũng phải trải qua quá trình kiểm tra kỹ lưỡng trước khi tiêm phòng cho người dân.  

Lê Hiền - Hương Giang - Tấn Đạt (TTXVN)
New York, Florida sẽ phạt bệnh viện không khẩn trương tiêm vaccine COVID-19
New York, Florida sẽ phạt bệnh viện không khẩn trương tiêm vaccine COVID-19

Trong bối cảnh Mỹ không đạt mục tiêu tiêm chủng vaccine COVID-19, bang New York và Florida đã cảnh báo sẽ phạt những bệnh viện không nhanh chóng tiêm chủng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN