Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn dữ liệu của Bộ Y tế Indonesia cho biết các ca mắc tập trung ở những thành phố lớn, tập trung đông dân cư như Jakarta với 235 ca, tiếp theo là Tây Java với 156 ca, Đông Java 66 ca, Banten 55 ca, Trung Java 46 ca và Yogyakarta 23 ca.
Bộ Y tế Indonesia cho biết ngày 4/4 ghi nhận thêm 5 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi từ đầu dịch đến này lên 161.035 ca. Trong tổng số 20.141 mẫu bệnh phẩm đã được kiểm tra tại các phòng xét nghiệm, có 1.540 trường hợp nghi mắc COVID-19. Hiện 6.581.436 bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Theo Bộ Y tế Indonesia, Chính phủ đã triển khai chính sách tăng cường tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Tính đến ngày 4/4, tổng số người được tiêm vaccine ngừa COVID-19 liều thứ nhất là 203.824.766 người. Trong khi đó, tổng số người tiêm vaccine liều thứ hai lên tới 174.856.799. Thêm 5.704 người được tiêm vaccine liều thứ ba, nâng tổng số lên 68.648.943 người, trong khi số người được tiêm liều thứ tư tăng thêm 2.001 lên 3.096.402 người.
Trước đó, Bộ trưởng Điều phối Văn hóa và Phát triển Con người, Muhadjir Effendy, cho biết Indonesia vẫn duy trì tình trạng khẩn cấp y tế công cộng do COVID-19. Theo ông Muhadjir Effendy, chính phủ sẽ theo dõi diễn biến của đại dịch cho đến tháng 5/2023 và tiếp tục áp dụng tình trạng khẩn cấp trong khi chờ đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc chuyển trạng thái đại dịch thành bệnh lưu hành.
Ông Muhadjir Effendy kêu gọi mọi người tiếp tục cảnh giác với COVID-19 và thực hiện các biện pháp để bảo vệ bản thân khỏi virus. Người dân cũng được khuyến cáo hoàn thành việc tiêm chủng để duy trì mức độ kháng thể trước lễ Eid al-Fitr năm 2023.