Phát biểu với báo giới tại một cuộc họp trực tuyến, ông Okamoto cho hay tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc bội (GDP) quý I/2020 của hầu hết các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều ghi nhận sự sụt giảm, cùng với những chỉ dấu quan trọng trong tháng Tư và tháng Năm phản ánh tình trạng gián đoạn nghiêm trọng trong quý II/2020. Một số nước cũng đã gặp khó khăn trong việc ngăn chặn đại dịch COVID-19, nguyên nhân làm ảnh hưởng đế triển vọng kinh tế đất nước. Trong khi đó, Trung Quốc dường như nằm ngoài xu thế này.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất được công bố hồi tháng 4/2020, IMF dự báo tăng trưởng ở khu vực châu Á sẽ chững lại ở mức 0% trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, mức tăng thấp nhất kể từ những năm 1960. Theo báo cáo này, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng vừa phải ở mức 1,2%.
Ông Okamoto nói thêm việc Trung Quốc nhanh chóng hành động để ngăn chặn dịch bệnh lây lan cũng như triển khai các biện pháp hỗ trợ chính sách đã góp phần giúp ổn định hoạt động kinh tế trong nước. Trung Quốc đang trong quá trình phục hồi sớm hơn so với các nước khác.
Ông Changyong Rhee, giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF, cho rằng Trung Quốc đã thực hiện nới lỏng các biện pháp phong tỏa sớm hơn so với các nước khác, và những tiến triển trong quý I/2020 của nước này phù hợp với dự báo của IMF. Tuy nhiên, đối với nhiều nước châu Á khác, hoạt động kinh tế quý I/2020 tồi tệ hơn mong đợi. Ông Rhee nhận xét trong quý II/2020, Trung Quốc sẽ không thể tránh khỏi sự sụt giảm thương mại chung trên toàn cầu, mặc dù ở mức độ thấp.