IMF cho biết với việc viện trợ phi nhân đạo bị tạm dừng và phần lớn tài sản nước ngoài bị đóng băng sau khi Taliban nắm chính quyền vào tháng 8, nền kinh tế vốn phụ thuộc vào viện trợ này "đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính và cán cân thanh toán nghiêm trọng". Theo IMF, điều này sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân và đẩy hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói, có thể "châm ngòi" cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Báo cáo của IMF chỉ rõ rằng tình hình hỗn loạn ở Afghanistan có thể sẽ tác động đến kinh tế và an ninh khu vực và nghiêm trọng hơn "thúc đẩy sự gia tăng người tị nạn" - điều có thể gây ra gánh nặng cho các nguồn lực công cộng ở các nước tiếp nhận, gia tăng sức ép thị trường lao động và dẫn tới căng thẳng xã hội, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Lấy ví dụ, có thêm 1 triệu người Afghanistan đi tị nạn ở các quốc gia láng giềng, chi phí hàng năm để tiếp nhận họ sẽ lên tới 100 triệu USD ở Tajikistan, tương ứng 1,3% GDP của nước này, khoảng 300 triệu USD ở Iran (0,03% GDP) và 500 triệu USD ở Pakistan (0,2% GDP).
Trong tháng 9, Tajikistan cho biết nếu không có sự hỗ trợ tài chính, nước này không đủ khả năng để tiếp nhận số lượng lớn người tị nạn, trong khi các quốc gia Trung Á khác cũng thông báo không có kế hoạch tiếp nhận người tị nạn.
Theo IMF, kinh tế Afghanistan khó khăn có thể ảnh hưởng đến các nước láng giềng trong lĩnh vực thương mại khi lâu nay xuất khẩu hàng hóa sang Afghanistan có liên quan đến Iran, Pakistan, Turkmenistan và Uzbekistan. IMF bày tỏ lo ngại việc trao đổi hàng hóa của Afghanistan hiện nay có thể làm gia tăng quan ngại về rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan ngày 15/8, đất nước vốn đang vật lộn với hạn hán và nghèo đói nghiêm trọng sau nhiều thập kỷ chiến tranh này đã chứng kiến nền kinh tế đứng bên bờ vực sụp đổ. Các nước châu Âu đều lo ngại nguy cơ người tị nạn Afghanistan tìm cách đến EU, như cuộc khủng hoảng người di cư Syria năm 2015.