IMF hủy bỏ quy định đặc cách cứu trợ Hy Lạp

Bất chấp những hoài nghi về khả năng trả nợ của Hy Lạp, ngày 20/1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã bãi bỏ một quy định được ban hành năm 2010, theo đó cho phép thể chế tài chính này tham gia vào chương trình cứu trợ quốc tế dành cho quốc gia châu Âu này.

Trong một thông báo, người phát ngôn IMF Gerry Rice cho biết Ban Điều hành IMF đã phê chuẩn một cải cách quan trọng đối với quyền đặc cách trong cơ chế cho vay của IMF, cụ thể là bãi bỏ quy định “miễn trừ có hệ thống”.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde phát biểu trong cuộc họp báo ở Doha, Qatar ngày 8/11/2015. Ảnh: AFP/TTXVN

Quy định này được cho là đã tạo ra lỗ hổng trong chính sách lâu nay của IMF. Chính sách này yêu cầu tổ chức này phải đánh giá tích cực khả năng thanh toán nợ của một nước thành viên trước khi quyết định hỗ trợ tài chính ở mức cao hơn khoản đóng góp của một nước thành viên.

Vào thời điểm năm 2010, IMF đánh giá nợ công của Hy Lạp ở mức nguy hiểm và không đáp ứng các điều kiện cứu trợ. Tuy nhiên, do lo ngại những tác động tiêu cực đối với phần còn lại của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), IMF đã đưa ra điều khoản “miễn trừ có hệ thống” nhằm mở đường cho phép thể chế này tham gia cùng Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cứu trợ Hy Lạp.

Với điều khoản này, IMF đã lần lượt cung cấp hai khoản viện trợ trị giá 30 tỷ euro (tương đương 32,7 tỷ USD) và 18 tỷ euro (19,5 tỷ USD) trong hai năm 2010 và 2012. Quy định này đã được IMF sử dụng hơn 30 lần để cung cấp viện trợ không chỉ cho Hy Lạp mà còn cả Ireland và Bồ Đào Nha, hai nước thành viên của Eurozone.

Tuy nhiên, quy định này đã vấp phải nhiều chỉ trích, chủ yếu từ các nền kinh tế đang nổi, khi cho rằng IMF đang thiên vị cho các quốc gia châu Âu dưới sức ép từ các thế lực phương Tây.

Giới quan sát nhận định với việc loại bỏ quy định trên, IMF đang tìm cách khép lại một giai đoạn gây tranh cãi trong lịch sử thể chế tài chính đa phương này trong bối cảnh đang phải cân nhắc việc có tiếp cùng EU và ECB tham gia gói cứu trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ euro (tương đương 93,5 tỷ USD) dành cho Hy Lạp được công bố hồi tháng 8/2015 hay không.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Nhà Trắng cho biết trong một cuộc gặp tại Davos (Thụy Sĩ), Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã thảo luận về chương trình cải cách kinh tế của Hy Lạp. Tuyên bố của Nhà Trắng cho hay “các nhà lãnh đạo này đã nhất trí về tầm quan trọng thúc đẩy nhanh nhất có thể các cải cách kinh tế của Athens, trong đó có những cuộc đàm phán nghiêm túc với các chủ nợ”.

Khởi động cuộc đua vào "ghế nóng" tại IMF


Từ ngày 21/1, IMF sẽ bắt đầu tiếp nhận các đề cử và tự ứng cử tham gia cuộc đua vào chiếc ghế Tổng Giám đốc của thể chế tài chính này.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 20/1, ông Aleksei Mozhin, thành viên của Ủy ban điều hành IMF cho hay Tổng Giám đốc IMF đương nhiệm Christine Lagarde sẽ hết nhiệm kỳ 5 năm vào ngày 5/7 tới.


Do vậy, tương tự như lần bầu chọn vào năm 2011, thể chế tài chính này đã thông qua một tiến trình công khai, minh bạch nhằm chọn ra người có đủ phẩm chất phù hợp cho vị trí này. Theo ông Mozhin, mọi cá nhân có thể ứng cử vào chức vụ này và quyết định cuối cùng sẽ dựa trên sự đồng thuận của đa số thành viên Ban Điều hành. Dự kiến, tiến trình lựa chọn sẽ kéo dài đến đầu tháng 3 tới.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Lagarde cũng đã nhiều lần để ngỏ khả năng tái tranh cử để có cơ hội lãnh đạo IMF thêm một nhiệm kỳ nữa. Tính tới thời điểm này, bà Lagarde là ứng cử viên duy nhất cho chức vụ Tổng Giám đốc IMF.

Bà Christine Lagarde, cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp, đảm nhiệm vị trí người đứng đầu IMF từ năm 2011 sau khu vượt qua đối thủ là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico Augustin Carstens. Nhiệm kỳ 5 năm của bà Lagarde được đánh giá là khá bận rộn khi bà phải đối mặt với nhiều thách thức về tài chính, trong đó phải kể đến việc giải quyêt cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và chương trình cứu trợ Hy Lạp.

Tuy nhiên, bà Lagarde cũng không tránh khỏi bê bối tài chính. Hồi tháng 12 vừa qua, một tòa án Pháp đã yêu cầu bà phải hầu tòa để làm rõ trách nhiệm trong việc chi trả 400 triệu euro (434 triệu USD) cho doanh nhân Bernard Tapie khi còn là Bộ trưởng Tài chính.

TTXVN/Tin Tức
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Ngày 19/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay so với dự báo công bố hồi tháng 10/2015 do sự suy giảm của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và giá dầu trên thế giới giảm mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN