Theo báo cáo, kinh tế của các nước khu vực Nam sa mạc Sahara dự báo sẽ phục hồi vào năm 2021, song trong năm 2020, nhiều nước dựa vào xuất khẩu dầu mỏ và du lịch sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Do giá dầu giảm, du lịch đình trệ và hoạt động kinh doanh đóng cửa có thể khiến nền kinh tế khu vực giảm 3,2% trong năm 2020
Giám đốc IMF khu vực châu Phi Abebe Aemro Selassie nêu rõ: "Đây là một bức tranh toàn cảnh đáng lo ngại thực sự về khía cạnh triển vọng kinh tế và phản ánh môi trường kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm mà các nước trong khu vực này đang phải đối mặt".
Theo báo cáo, suy giảm kinh tế được cho là nguyên nhân khiến thu nhập thực tính theo đầu người giảm tới 15% tại hầu như toàn bộ các nước khu vực Nam sa mạc Sahara, đồng nghĩa với việc toàn bộ khu vực sẽ giảm 7% trong năm 2020, trở lại "xuất phát điểm" cách đây một thập kỷ trước.
Với giá dầu trên thế giới giảm, các nước xuất khẩu dầu thô sẽ chịu tác động mạnh nhất, như Nigeria được dự báo kinh tế suy giảm khoảng 5,4%; Angola giảm 4%. Nền kinh tế Seychelles dự báo giảm 13,8% và Mauritius giảm 12,2% vào năm 2020 do các lệnh cấm bay và lo ngại về dịch bệnh khiến ít du khách đến hai nước này.
Thậm chí các nền kinh tế đa dạng khác trong khu vực sẽ vẫn chịu tác động, ví dụ như Ethiopia được dự báo kinh tế chỉ tăng 1,9% trong tài khóa 2020 và rồi hoàn toàn đình trệ vào năm 2021. Trong khi đó, Nam Phi, nước có nền kinh tế công nghiệp hóa nhất khu vực, sẽ suy giảm kinh tế 8% trong năm 2020 do lệnh phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Ông Abebe cho biết IMF đã nhanh chóng triển khai các chương trình hỗ trợ nhằm giúp các nền kinh tế châu Phi vượt qua giai đoạn khó khăn, với tổng viện trợ lên tới 10 tỉ USD trong khoảng 2 tháng qua. Các nước châu Phi cũng sẽ là đối tượng được hưởng lợi từ Sáng kiến giãn nợ (DSSI) do Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khởi xướng.
Theo báo cáo của IMF, châu lục nghèo nhất thế giới này dự báo sẽ phục hồi vào năm 2021, trong đó khu vực Nam sa mạc Sahara có thể đạt tăng trưởng 3,4% dựa trên giả định cho rằng các lệnh phong tỏa được nới lỏng và làn sóng dịch COVID-19 thứ hai không gây nên những hậu quả nghiêm trọng.