Tính đến nay, tình trạng đóng cửa một phần của Chính phủ Mỹ đã bước sang tuần thứ tư, chuỗi dài nhất trong lịch sử. Người phát ngôn của IMF, Gerry Rice, cho rằng tình trạng đóng cửa càng kéo dài, tác động của nó đối với nền kinh tế sẽ càng lớn. Ông Rice hối thúc các quan chức Mỹ cùng bắt tay làm việc để thông qua ngân sách, mở cửa trở lại các cơ quan của chính phủ.
Giới lãnh đạo cấp cao của IMF mới đây cảnh báo dù các điều kiện cơ bản của nền kinh tế Mỹ vẫn còn khá vững, nhưng việc tâm lý nhà đầu tư giảm sút trong bối cảnh Chính phủ liên bang Mỹ ngừng hoạt động một phần có thể làm triệt tiêu đà tăng trưởng.
Giám đốc điều hành (CEO) của ngân hàng JPMorgan, ông Jamie Dimon nhận định rằng tình trạng đóng cửa chính phủ Mỹ sẽ không giúp ích gì cho nền kinh tế. Ông cho hay một số chuyên gia ước tính nếu tình trạng này tiếp diễn trong cả quý I/2019 thì có thể kéo nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế về 0.
Tình trạng Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động một phần đã bắt đầu tác động tiêu cực đến cuộc sống của nhiều nhân viên tại các cơ quan của chính phủ. Nhiều người đã phải dùng đến tiền tiết kiệm, bán bớt tài sản, thậm chí cầu cứu sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.
Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận mới đây của công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường toàn cầu Ipsos, đa số người dân Mỹ đổ lỗi cho Tổng thống Mỹ Donald Trump về tình trạng đóng cửa một phần chính phủ liên bang.
Cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 8-14/1 cho thấy, có 51% số người được hỏi cho rằng ông Trump là căn nguyên gây ra tình trạng này. Kết quả này tương tự cuộc thăm dò trong tuần đầu tiên của tháng Một này.