IAEA thanh sát nhà máy điện hạt nhân Nhật

Ngày 30/7, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) bắt đầu thanh sát nhà máy điện hạt nhân Onagawa ở tỉnh Miyagi của Nhật Bản. Đây là một trong những nhà máy điện hạt nhân ít bị ảnh hưởng bởi thảm họa kép động đất, sóng thần ở nước này hồi tháng Ba năm ngoái.

 

Nhà máy điện hạt nhân Onagawa. Nguồn: Internet

 

Một nhóm thanh sát gồm 20 thành viên do quan chức phụ trách Trung tâm An toàn địa chấn quốc tế của IAEA dẫn đầu sẽ kiểm tra mức độ thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị tại nhà máy Onagawa thuộc Công ty Điện lực Tohoku. Ba lò phản ứng tại nhà máy này đã tự động ngắt khi xảy ra thảm họa.

 

Trong quá trình thanh sát kéo dài tới ngày 11/8, các chuyên gia IAEA cũng sẽ phân tích dữ liệu hoạt động và phỏng vấn các nhân viên của nhà máy Onagawa về phương thức ổn định các lò phản ứng nhằm thu thập và chia sẻ các kinh nghiệm đảm bảo an toàn cho các nước thành viên của IAEA.

 

Kể từ xảy ra thảm họa động đất, sóng thần hồi tháng 3/2011, IAEA đã tiến hành các cuộc điều tra tại chỗ ở các nhà máy điện hạt nhân  Fukushima Daiichi và Fukushima Daini thuộc Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) ở tỉnh Fukushima và nhà máy điện hạt nhân Tokai Daini thuộc Công ty Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản tại tỉnh Ibaraki.

 

* Trong một diễn biến liên quan, sáng 30/7, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản báo động sự cố rò rỉ chất natri làm nguội tại lò phản ứng tái sinh nhanh Monju ở Tsuruga, tỉnh Fukui. Tuy nhiên, hiện chưa phát hiện sự rò rỉ thực tế cũng như bất cứ ảnh hưởng nào đến môi trường xung quanh.


Dự án Monju là một phần trong chính sách của chính phủ Nhật Bản nhằm thiết lập một chu trình nhiên liệu hạt nhân, trong đó nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng từ các nhà máy điện sẽ được tái chế để sử dụng cho nhiên liệu ôxít hỗn hợp plutôni - uranium. Tuy nhiên, dự án trên đã gặp phải nhiều vấn đề, điển hình là sự cố rò rỉ natri dẫn đến hỏa hoạn vào năm 1995.

 

 

TTXVN/Tin tức

Nhật Bản nan giải với bài toán điện hạt nhân
Nhật Bản nan giải với bài toán điện hạt nhân

Hiện nay, chính phủ Nhật đang nghiêng về chính sách giảm một nửa tỉ lệ đóng góp của điện hạt nhân so với mức trước thảm họa Fukushima 1, xuống khoảng 15% vào năm 2030, và hầu như chắc chắn sẽ chưa thể cam kết về một chiến lược thoát khỏi điện hạt nhân trong dài hạn mà nhiều cử tri mong muốn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN