Nhật Bản nan giải với bài toán điện hạt nhân

Năng lượng hạt nhân từng cung cấp khoảng 30% nhu cầu điện năng của Nhật Bản trước khi xảy ra thảm họa tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, thậm chí chính sách năng lượng công bố năm 2010 của Nhật đã đặt mục tiêu nâng tỉ lệ này lên tới trên 50% vào năm 2030. Tuy vậy, cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Fukushima 1 đã làm thay đổi tất cả. Một số chuyên gia và các nhà lập pháp đang muốn đặt mục tiêu thoát khỏi điện hạt nhân vào năm 2050, nhưng đã vấp phải phản ứng từ những người lo ngại rằng nền kinh tế Nhật sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi một cuộc rút lui như vậy.

Nhà máy điện hạt nhân Oi đặt tại tỉnh Fukui đã bắt đầu cung cấp điện cho mạng lưới quốc gia. Ảnh Internet.


Hiện nay, chính phủ Nhật đang nghiêng về chính sách giảm một nửa tỉ lệ đóng góp của điện hạt nhân so với mức trước thảm họa Fukushima 1, xuống khoảng 15% vào năm 2030, và hầu như chắc chắn sẽ chưa thể cam kết về một chiến lược thoát khỏi điện hạt nhân trong dài hạn mà nhiều cử tri mong muốn.


Sau khi lò phản ứng số 3 của nhà máy điện hạt nhân Oi được tái vận hành tại tỉnh Fukui và bắt đầu đi vào hoạt động hết công suất để cung cấp điện lưới điện quốc gia vào ngày 9/7/2012, lò phản ứng số 4 cũng sẽ tái hoạt động vào ngày 17/7. Việc đưa hai lò phản ứng hạt nhân trở lại hoạt động là một chiến thắng đối với các nhà quản lý ngành công nghiệp điện hạt nhân, vốn đang hứng chịu những chỉ trích gay gắt kể từ sau cuộc khủng hoảng tại Fukushima 1– sự cố rò rỉ phóng xạ tồi tệ nhất kể từ sau vụ nổ Chernobyl năm 1986 tại Ucraina.


Khi không có điện hạt nhân


Quyết định tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Oi diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản thiếu điện nghiêm trọng vào mùa hè. Tình trạng thiếu điện hiện nay có thể đã vượt xa nỗi lo ngại về an toàn hạt nhân trong bối cảnh kết quả điều tra cuối cùng về sự cố Fukushima 1 cũng như một kế hoạch chi tiết về nguồn năng lượng mới thay thế điện hạt nhân vẫn chưa có.


Hãng tin Bloomberg đã so sánh tình trạng an toàn hạt nhân của Nhật Bản hiện nay với tình trạng thiếu cơ chế rõ ràng của các ngân hàng trước đây. Do thiếu cơ chế, Nhật Bản và một số nước khác chỉ lo cứu các ngân hàng yếu kém, dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính 1997 - 1998 và 2007 - 2009. Tương tự, Nhật Bản chưa có cơ chế rõ ràng để xử lý khi xảy ra thảm họa hạt nhân, trong đó chỉ riêng việc sơ tán dân như thế nào cũng là một vấn đề lớn.


Trong trường hợp không có điện hạt nhân thì nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này sẽ phụ thuộc vào ba nguồn chính: Than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên. Điều này dẫn đến chi phí điện tăng cao, từ đó tạo nên áp lực rất lớn cho một nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi sau thảm họa.


Theo số liệu công bố gần đây của Hiệp hội các công ty điện Nhật Bản, 10 nhà máy điện địa phương đã nhập gần 52,9 triệu m3 khí hóa lỏng trong năm tài chính kết thúc ngày 31/3/2012, tăng 27% so với cùng kì năm trước - khi Nhật Bản chưa phải đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. Nhập khẩu dầu thô đã tăng hơn gấp đôi, lên 23,3 triệu m3 (147 triệu thùng), khiến lượng dầu mỏ tiêu thụ tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.


Thiếu điện là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đình trệ sản xuất. Việc thiếu đi nguồn điện hạt nhân giá rẻ khiến chi phí điện tăng cao cũng sẽ tác động xấu đến định hướng phát triển của nhiều công ty ở Nhật Bản. Nhiều nhà máy đã tính đến phương án di dời ra nước ngoài. Hơn nữa, ngoài vấn đề thiếu điện của bản thân nước Nhật, thì việc chia tay điện hạt nhân sẽ dẫn tới nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tăng đột biến và gây biến động trên thị trường dầu mỏ thế giới nói riêng và tốc độ hồi phục của nền kinh tế toàn cầu nói chung.


Chưa thể xóa sổ điện hạt nhân


Trong khi các cuộc thảo luận về xây dựng chính sách năng lượng tương lai còn kéo dài trong nhiều tháng nữa, chính phủ Nhật Bản đã cam kết giảm vai trò của điện hạt nhân và về nguyên tắc sẽ loại bỏ những lò phản ứng đã hoạt động được 40 năm. Nếu thực hiện đúng nguyên tắc này, tỉ lệ đóng góp của điện hạt nhân trong sản lượng điện quốc gia sẽ giảm xuống còn khoảng 15% vào năm 2030.

Trung tâm điều khiển tại lò phản ứng số 3, nơi mới bắt đầu hoạt động hết công suất Ảnh Internet.


Việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân có tác động xấu đến mức Thủ tướng Yoshihiko Noda đã phải thốt lên: “Điện giá rẻ và ổn định là hết sức quan trọng. Nếu tất cả các lò phản ứng từng cung cấp 30% nguồn điện cho Nhật Bản bị ngưng hoạt động hoặc để không, thì xã hội Nhật không thể tồn tại được”. Bộ trưởng Công thương Yukio Edano cũng lên tiếng cảnh báo rằng, Nhật Bản sẽ phải đối mặt với một mùa hè "thiếu hụt điện năng nghiêm trọng" nếu không tái khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân.


Nhà vận động hành lang lớn nhất của Nhật Bản, Keidanren, thì bày tỏ lo ngại, chi phí điện tăng cao do xóa sổ điện hạt nhân có thể đẩy các công ty ra nước ngoài, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất ở trong nước và sự tăng trưởng kinh tế.


Dự kiến, nội các Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định về vấn đề chính sách hạt nhân vào tháng 8 tới sau một thời gian lắng nghe dư luận. Tuy nhiên, những gì xảy ra trong những tháng hè nóng nực tại Nhật có thể sẽ có ảnh hưởng. Có thể nhìn vào mùa hè năm 2011 để hiểu thế nào là thiếu hụt điện năng nghiêm trọng, khi chính phủ Nhật Bản đã phải kêu gọi toàn dân, đặc biệt là các tập đoàn lớn phải cắt giảm tiêu thụ điện năng xuống ít nhất 15% so với mức năm 2010, cùng với các yêu cầu kèm theo như hạn chế sử dụng đèn, điều hòa, thay đổi giờ làm sớm hơn hay chuyển hoạt động của các nhà máy vào cuối tuần để tránh tình trạng quá tải.


Hôm 8/6, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã kêu gọi khởi động lại nhà máy điện hạt nhân Oi, đồng thời cho rằng việc này là an toàn và cần thiết đối với cuộc sống hàng ngày của người dân. Ông cảnh báo: “Nếu chúng ta kết thúc phát điện hạt nhân, mọi thứ sẽ ngưng trệ”, đồng thời đảm bảo với công chúng rằng lò phản ứng số 3 và số 4 của nhà máy Oi vẫn an toàn ngay cả khi có xảy ra động đất lớn hay sóng thần.


Theo ông Jeff Kingston, giám đốc Cơ quan nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Temple, việc Nhật Bản tái khởi động các lò phản ứng điện hạt nhân cho thấy, tình trạng thiếu điện trong mùa hè ở Nhật Bản nghiêm trọng hơn đánh giá ban đầu.


Chuyên gia Viện nghiên cứu Fujitsu và là thành viên một ủy ban cố vấn về chính sách năng lượng hỗn hợp, cho rằng: “Hầu như chắc chắn chính phủ sẽ không đưa ra một quyết định “đóng” về mục tiêu đến năm 2050. Theo quan điểm của tôi, họ sẽ đưa ra quyết định tạm xoa dịu cả hai phía. Những người ở phe phản đối hoàn toàn điện hạt nhân sẽ cho rằng: “Chúng ta đang cố gắng làm điều đó”, trong khi phe ủng hộ thì nghĩ: “Để xem, có thể sẽ có những cải tiến căn bản trong 20-30 năm tới”, ông Takahashi nói.

Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN