Trong cuộc họp ban lãnh đạo IAEA tại Vinena (Áo), ông Grossi cho biết cơ quan này đã xác định một số nghi vấn liên quan nguyên liệu hạt nhân và các hoạt động liên quan đến hạt nhân tại 3 địa điểm mà Iran chưa công bố.
Tại buổi họp báo sau đó, ông Grossi cho biết IAEA đã tìm cách tiếp cận 2 trong số 3 địa điểm trên, song Iran đã không cho phép tiếp cận và cũng không có những trao đổi cần thiết với IAEA để làm sáng tỏ những nghi vấn của cơ quan này. Người đứng đầu IAEA khẳng định đây là trường hợp từ chối tiếp cận đề cập trong nội dung nghị định thư bổ sung. Ông bày tỏ hy vọng có thể phối hợp với Tehran và sớm giải quyết vấn đề này.
Nghị định thư bổ sung là văn bản pháp lý bảo đảm IAEA được mở rộng các quyền tiếp cận các thông tin và các địa điểm, để các thanh sát viên của cơ quan này có thể đưa ra những đánh giá về các hoạt động hạt nhân đã được công khai cũng như các hoạt động có thể chưa được công khai.
Đề cập việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), ông Grossi lưu ý tuyên bố của Tehran ngày 5/1 vừa qua, sau khi Mỹ tiến hành vụ không kích tại khu vực sân bay Baghdad của Iraq khiến một tướng Iran thiệt mạng, rằng chương trình hạt nhân của Iran "không còn chịu bất cứ hạn chế nào về phạm vi hoạt động". Ông Grossi khẳng định đến nay IAEA chưa quan sát thấy bất kỳ sự thay đổi nào của Iran trong việc thực thi các cam kết liên quan hạt nhân trong khuôn khổ JCPOA có liên quan đến tuyên bố trên, cũng như mức độ hợp tác của Iran với IAEA trong việc kiểm chứng và giám sát các hoạt động trong khuôn khổ JCPOA.
Trước khi đưa ra tuyên bố ngày 5/1 nói trên, Iran đã tiến hành hàng loạt bước đi thu hẹp các cam kết trong JCPOA, nhằm phản ứng việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này và tái áp đặt các lệnh trừng phạt Tehran trong khi các đối tác châu Âu chưa thực thi biện pháp cụ thể nào bảo vệ lợi ích của Iran để cứu vãn thỏa thuận.