Tuyến đường sắt trên là nơi xảy ra vụ va chạm trực diện vào ngày 28/2 giữa một đoàn tàu chở hàng và một đoàn tàu chở khách với hơn 350 người trên tàu. Đa số nạn nhân thiệt mạng trong vụ va chạm này là sinh viên trở lại trường sau kỳ nghỉ cuối tuần. Sự cố trên mặc dù được xác định phần lớn là do trách nhiệm của trưởng ga làm nhiệm vụ ở gần hiện trường xảy ra tai nạn, song cũng phản ánh sự chậm trễ trong việc hiện đại hóa hệ thống an toàn đường sắt tại Hy Lạp.
Sau vụ tai nạn, các cuộc biểu tình nhằm phản đối tình trạng giao thông đường sắt thiếu an toàn đã xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt là ở thủ đô Athens và thành phố Thessaloniki. Diễn biến này là một phần nguyên nhân khiến tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis giảm mạnh, ảnh hưởng đến khả năng tái cử của ông.
Nhằm trấn an hành khách, Bộ trưởng Giao thông vận tải Giorgos Gerapetritis cùng với đại diện các công ty đường sắt của Hy Lạp đã đi chuyến tàu từ Athens tới thị trấn Kalambaka vào sáng 3/4. Bộ trưởng Gerapetritis nhấn mạnh nhiệm vụ của chính phủ là đảm bảo dịch vụ đường sắt đáp ứng được kỳ vọng của người dân, hệ thống đường sắt hiện đại phục vụ sự phát triển và thuộc hàng tốt nhất ở châu Âu.
Trong khi đó, Thủ tướng Mitsotakis cam kết hoàn thành việc lắp đặt các hệ thống an toàn điện tử đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế trên mạng lưới đường sắt của nước này vào cuối tháng 9 tới nếu ông tái đắc cử.
Hoạt động đường sắt liên tỉnh tại Hy Lạp được nối lại từ ngày 22/3 vừa qua với các chuyến tàu giữa cảng Piraeus và sân bay quốc tế ở thủ đô Athens cũng như các chuyến Athens - Chalcis và một số tuyến khác tại vùng Peloponnese. Tuy nhiên, tuyến đường sắt bận rộn nhất dài 600 km giữa Athens và thành phố Thessaloniki đến nay mới hoạt động trở lại.